Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức tháng Bảy

Nguyễn Năng Lực| 27/07/2014 05:34

(HNM) - Đầu tháng Bảy, nhà giáo Vũ Thạch Phát từ TP Hồ Chí Minh điện ra cho tôi:

Tháng 9-1969, tôi nhận được giấy gọi vào Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đó là những ngày miền Nam vẫn rền tiếng súng và khói lửa. Đó là thời gian nhân dân miền Bắc tranh thủ thời kỳ tạm ngưng chiến tranh phá hoại để xây dựng, củng cố lực lượng, sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ.

Nhóm bạn lính sinh viên Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm.


Lớp Văn H của chúng tôi sơ tán về làng Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, Từ Liêm. Tôi và Đào Văn Cường, được xếp ở chung một nhà dân bên bờ ao. Bác chủ nhà nhường cái phản gỗ gian ngoài cho hai đứa, hai căn buồng đầu chái là chị con gái đang bụng mang dạ chửa, có chồng bộ đội đóng quân tỉnh bên và bác chủ nhà cùng cô con gái sáu, bảy tuổi có đôi mắt to đen ở.

Cường là trai phố cổ, người mập mạp, da trắng, môi đỏ, tóc mượt, mắt lúc nào cũng lim dim. Týp người thế, ngày ấy hay gọi là "công tử bột". Tuy cùng tuổi nhưng Cường có vẻ thâm trầm, chín chắn hơn tôi. Bên kia ao là nhà Hiền Phương trọ, cô bạn già dặn hơn bọn con trai, con gái cùng lớp rất nhiều. Hiền Phương xinh xắn, sống nội tâm, ít chơi với bọn con gái trong lớp. Ở tuổi 17, 18, đám sinh viên trong lớp chẳng có đôi nào thân nhau đến mức trên tình bạn, cũng chẳng hay tò mò chuyện của nhau nên khi nghe bọn con gái xì xào thằng Cường thân với cái Phương lắm, tôi cũng không để ý.

Cuộc sống sinh viên cứ bình lặng trôi đi. Sáng lên lớp, trưa về phân công nhau theo lớp phó Bảo Thanh lên tận bếp của khoa ở làng Đông Ngạc cách nửa cây số gánh cơm về chia nhau. Mỗi đứa một bát cơm vơi, một cái bánh bột mỳ ăn với canh rau lõng bõng nước và một tí món mặn. Bột mỳ nắm luộc gọi là "cái đấm", hôm nào bột mỳ cán mỏng chạy qua hàng mỡ thì gọi là "cái tát". Ăn như thế, ở như thế mà các thầy, cô giáo vẫn nghiên cứu khoa học, vẫn hội thảo, nhiều đứa sinh viên chúng tôi còn làm thơ. Hiền Phương là một trong số ít bạn hay làm thơ và thơ khá hay, nhưng chỉ ai thân lắm mới được chia sẻ.

Con trai trong lớp mỗi thằng một vẻ, đặc biệt có Nguyễn Ngọc Ưng nổi tiếng với tiết mục bắt chước giọng nghệ sĩ Châu Loan ca Huế bài "Mẹ Suốt". Mỗi khi họp lớp, hoặc ngồi với nhau, cả bọn yêu cầu là Ưng ta lại đứng lên ngân nga, "lặng nghe mẹ kể ngày xưa...", vừa nghiêm túc, sâu lắng, vừa buồn cười. Ưng cao dong dỏng, nước da bánh mật, tóc để ngôi giữa trông rất giống mấy nhân vật nông dân khá giả trong phim Việt Nam thời ấy.

Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ tạm ngưng một thời gian, thanh niên miền Bắc vẫn tiếp tục "nối nhau ra tiền tuyến". Lớp Văn H của tôi có hơn 20 thằng con trai, cứ lần lượt ra trận. Tháng 12-1971, Đào Văn Cường cùng các bạn lên đường nhập ngũ, từ đó bặt tin. Sau này, chúng tôi nghe nói Cường hy sinh ở Quảng Trị trong "mùa hè đỏ lửa". Cường đi được nửa năm thì đến lượt chúng tôi. Tháng 5-1972, vừa hết năm thứ 3, lớp Văn H tiễn bọn con trai ra trận đợt cuối cùng. Đợt ấy có Kiếm, Phát, Ưng, Thiện, Vông và tôi. Chúng tôi đi rồi, con trai lớp H chỉ còn lại 8 đứa, toàn những tay có vấn đề về sức khỏe hoặc cán bộ lớn tuổi đi học. Trong những ngày chiến đấu ác liệt đánh trả "siêu pháo đài bay" B-52 của Không quân Mỹ tập kích vào khu vực "cảng nổi của miền Bắc", ga và cầu Đồng Mỏ, đêm 23-12-1972, Tiểu đoàn 172, Trung đoàn Pháo phòng không 282 của chúng tôi bị B-52 Mỹ ném bom rải thảm giữa trận địa. Chín chiến sĩ hy sinh. Trắc thủ máy đo xa "một mét" Nguyễn Ngọc Ưng và pháo thủ Trương Dương Thiện, hai người bạn học cùng lớp Văn H của tôi vĩnh viễn ở lại tuổi 20. Chúng tôi tự tay đào bới, moi bạn từ căn hầm sập lên, đưa về hậu cứ trong cái rét buốt tái tê của mùa Đông. Họ được nhân dân Chi Lăng, Lạng Sơn đón về lòng đất mẹ trên sườn đồi Mai Sao.

Mười mấy năm phục vụ quân ngũ, trải qua thêm cuộc chiến tranh biên giới, chinh chiến trong Nam, ngoài Bắc, tôi ít có tin bạn bè. Chỉ biết rằng, sau ngày giải phóng miền Nam, lứa sinh viên nhập ngũ đã ra quân, về trường học tiếp và đều thành đạt trên bục giảng. Hiền Phương quê Quảng Nam, là con em miền Nam tập kết nên năm 1973, sau khi tốt nghiệp được phân về làm phóng viên Báo Ảnh Quân Giải phóng thuộc Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn. Sau khi về làm việc tại Báo Hànộimới, tôi gần gũi các bạn cũ hơn, buồn vui sướng khổ đều chia sẻ với nhau. Kiếm đã là PGS, TS, Trưởng khoa Đào tạo sau đại học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giờ đang dạy tiếng Việt ở Đại học Busan Hàn Quốc; Phát, San vào Nam dạy học, lập gia đình rồi định cư luôn ở TP Hồ Chí Minh… Hài cốt những người bạn đã hy sinh cũng dần được quy tập về quê. Mươi năm trước, Vũ Thạch Phát từ miền Nam ra, có tìm đến nhà Cường hỏi thăm. Căn nhà phố cổ sâu hun hút, hàng xóm láng giềng bảo: "Nhà ấy dọn đi lâu rồi, đi đâu không biết".

Tháng 12-2007, trong chuyến vào Nam công tác, tôi được các bạn đón đến dự buổi gặp mặt truyền thống của những sinh viên đã một thời trận mạc hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh. Hằng năm, họ vẫn hẹn nhau tụ họp đúng ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12. Bước chân vào Hội trường Nhà văn hóa Học sinh - sinh viên thành phố, tôi lặng người trước ban thờ khói hương nghi ngút và 15 tấm bài vị gỗ ghi tên 15 người lính sinh viên Đại học Sư phạm lứa chúng tôi đã bỏ mình vì nước. Trong số bài vị ấy, tôi nhận ra những cái tên quen thuộc, trong đó có tấm bài vị ghi tên Đào Văn Cường, bạn năm nào nằm chung giường với tôi ở gian nhà sơ tán trên Chèm. Hôm ấy, tôi đã kể cho các bạn tôi nghe về cái chết của Nguyễn Ngọc Ưng giữa bãi bom B-52 mà tưởng như vẫn còn văng vẳng đâu đây tiếng Ưng hò Huế bắt chước giọng nghệ sĩ Châu Loan.

Khi được tin Hiền Phương muốn tìm kiếm thông tin về Cường, tôi liên hệ ngay với UBND phường Đồng Xuân. Biết tôi là nhà báo tìm kiếm thông tin liệt sĩ, người ta cho tôi số máy của bà Hoa, cán bộ phụ trách công tác thương binh - liệt sĩ của phường. Làm việc với bà Hoa, tôi nhận được kết quả: "Liệt sĩ Đào Văn Cường sinh năm 1952, hy sinh ngày 25-5-1972. Mẹ là Vũ Thị Vàng mất đã lâu. Hiện không có ai thờ cúng". Bà Hoa cho biết, hồ sơ ở phường chỉ có thế thôi. Chao ôi, Cường đẹp trai "công tử bột" ở số nhà 3B phố Đồng Xuân ngày nào, 42 năm sau chỉ còn là cái tên trong dòng hồ sơ ngắn ngủi. Không có người thờ cúng tức là tiêu chuẩn, chế độ gia đình liệt sĩ không có ai đến nhận đã nhiều năm. Đã mấy lần vào thăm Thành cổ Quảng Trị, tôi có ngờ đâu trong mỗi ngọn cỏ tấc đất nơi đây, ngọn cỏ nào, nắm đất nào có một phần xương thịt bạn tôi?

Gửi thông tin vào Nam, tôi hình dung có thể Hiền Phương sẽ khóc, hoặc nếu không thì cũng lặng người đi. Người đàn bà tuổi ngoại lục tuần ấy giờ là nữ văn sĩ, vợ một nhà văn khá nổi tiếng, vẫn còn nhớ đến những kỷ niệm trong trẻo của một thời sinh viên áo trắng, vẫn nhân hậu để nghĩ đến một lễ cầu siêu cho người bạn thuở xa xưa. Cao hơn thế, sâu xa hơn thế, chị đã nghĩ hộ chúng tôi cái việc nói ra dường như nghe đã quá quen tai, "đền ơn đáp nghĩa". Tôi cứ nghĩ rằng, với thiên tính của người đàn bà, Hiền Phương muốn được chăm sóc cho bạn như chăm sóc một người thân.

Bây giờ thì lễ cầu siêu trong đó đã xong. Cầu siêu cũng là một cách để tưởng nhớ người đã khuất. Cường ơi, Ưng ơi, Thiện ơi, các anh còn mãi trong tâm tưởng chúng tôi.

Tháng Bảy 2014

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức tháng Bảy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.