(HNM) - Đồng chí Võ Văn Kiệt với 86 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống giản dị, khiêm tốn, đặt lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân lên trên hết. Đồng chí là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng, một người cộng sản chân chính với trái tim nhân hậu mãi mãi ở trong lòng nhân dân ta.
Nhà lãnh đạo xuất sắc
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23-11-1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1938, khi mới 16 tuổi, Võ Văn Kiệt đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào thanh niên phản đế. Từ năm 1941 đến 1945, trên cương vị Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang), đồng chí đã tham gia xây dựng lực lượng cách mạng, bảo vệ căn cứ địa U Minh để nơi đây trở thành đầu não chỉ huy cách mạng của các tỉnh miền Tây Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954), đồng chí được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động bên cạnh đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Xứ ủy, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong tình thế khó khăn của cách mạng miền Nam khi đó, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, bám sát địa bàn, chỉ đạo cơ sở đấu tranh với kẻ thù. Với sự nhạy cảm của một nhà hoạt động cách mạng giàu kinh nghiệm, đồng chí có những nhận định hết sức đúng đắn về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, kịp thời đề ra những đối sách, chỉ đạo phong trào cách mạng.
Từ cuối năm 1959 đến đầu năm 1970, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy T.4, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã lập nhiều chiến công vang dội. Từ đó, góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris (tháng 1-1973), rút quân ra khỏi miền Nam, tạo ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam.
Sau Hiệp định Paris, trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 9, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu đưa ra quyết định mang tính lịch sử “Đánh địch lấn chiếm, giữ đất giữ dân”. Quyết định đúng đắn và rất sáng tạo đó đã làm thất bại âm mưu lấn chiếm của địch, mở rộng thêm nhiều vùng giải phóng, tạo nên thế và lực mới rất quan trọng. Đó cũng là một trong những cơ sở để Đảng ta đưa ra quyết định phát động cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh rồi Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng lãnh đạo thành phố đưa ra những quyết sách hết sức năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa thành phố dần đi vào ổn định và trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Sau này, trên các cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó.
Sau khi rời cương vị Thủ tướng Chính phủ (tháng 8-1997), đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn dành nhiều tâm huyết, trí tuệ cống hiến cho Đảng, cho đất nước. Với vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã dồn hết nghị lực và tâm trí cho công cuộc xây dựng Đảng, với nhiều kiến nghị cụ thể, tâm huyết trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, cũng như trong nhiều sinh hoạt quan trọng của Đảng, góp phần thiết thực vào công tác đổi mới và chỉnh đốn Đảng, xây dựng đất nước. Đồng chí từ trần ngày 11-6-2008, hưởng thọ 86 tuổi.
Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Võ Văn Kiệt là một người cộng sản luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Suy nghĩ và việc làm của đồng chí luôn thể hiện sự trăn trở của một công dân, của một nhà lãnh đạo, người đứng đầu Chính phủ đau đáu vì tiền đồ phát triển của đất nước. Đồng chí không say sưa với những thắng lợi, mà luôn tìm tòi theo cách nghĩ khám phá, đột phá, sáng tạo. Mỗi khi nhắc tới cuộc đấu tranh hy sinh, gian khổ, khó khăn vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng chí luôn trăn trở Đảng phải làm gì cho dân để đáp ứng lại sự hy sinh to lớn và vô giá đó.
Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, lòng tự hào dân tộc sâu sắc, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ động đến với nhân dân để hiểu dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc với dân và tìm ra cách làm có hiệu quả nhất. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí tỏ rõ sự thấm nhuần về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu hiện rõ nhất là không giáo điều, rập khuôn, máy móc; miệng nói tay làm, nói ít làm nhiều, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã làm đúng tinh thần lời dạy của Bác Hồ, người cán bộ khi nhận nhiệm vụ do nhân dân ủy thác thì phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn, quan trọng của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý chí, khát vọng vươn lên, cống hiến cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.