Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Hồ Chí Minh với chuyên đề lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Theo Báo Điện tử ĐCSVN| 02/03/2013 14:55

Ngày 1/3, kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa VIII chuyên đề lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm. Kỳ họp diễn ra trong một ngày.

Nhiều ý kiến của đại biểu tại kỳ hợp lần này xoay quanh nội dung về "chính quyền địa phương"


Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh đến mục đích, yêu cầu và nội dung lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau phiên khai mạc, các đại biểu tập trung cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại các tổ.

Đã có hơn 80 ý kiến của các đại biểu góp ý đối với 124 điều của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại kỳ họp của HĐND Thành phố lần này, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, tập trung vào thực tiễn phát triển của Thành phố sau 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992.

Nhìn chung, qua góp ý các đại biểu đều thống nhất khẳng định: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này có nhiều điểm kế thừa Hiến pháp hiện hành và có nhiều điểm mới, có nhiều điều, khoản tiến bộ và có tầm nhìn gắn liền với nhiệm vụ và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà Nghị quyết Đại hội 11 đã đề ra. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nhìn nhận dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này, tính lôgíc ở 1 số điều, khoản còn chung chung, chưa cụ thể, câu từ còn đa nghĩa khó hiểu và có một số điểm thiếu nhất quán.

Sau một ngày làm việc, có thể thấy, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhiều nhất là chương IX với các nội dung về "chính quyền địa phương".

Theo các đại biểu, điều 115, chương IX quy định "tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã" như hiện nay sẽ gây hạn chế cho việc phát triển các loại đô thị hành chính lớn. Nếu quy định như dự thảo, TP.Hồ Chí Minh sẽ không có cơ hội thí điểm đề án của mình khi đưa ra mô hình "thành phố trong thành phố" với bốn thành phố đông, tây, nam, bắc nằm trong đô thị lớn là TP.Hồ Chí Minh.

Đại biểu Lê Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh cho rằng, TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều bước thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý cao nhất, cần phải được ghi nhận vào Hiến pháp. Theo bà Minh, nếu cả nước dàn hàng ngang tiến lên cũng giống như cùng mặc chung một cỡ áo thì rất khó phát triển mà cần có một số đô thị phát triển theo mô hình chính quyền đô thị.

Bà cũng đề nghị Hiến pháp quy định thêm một nội dung “những tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương đủ điều kiện thành lập chính quyền đô thị thì được thành lập chính quyền đô thị theo luật”. “Đây không chỉ là quy định mở đường cho TP.Hồ Chí Minh mà còn đáp ứng nhu cầu cho tất cả đô thị đang phát triển lớn mạnh trong cả nước như Hà Nội, TP.Đà Nẵng…”.

Cũng với quan điểm trên, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua cho rằng, hướng đi của TP.Hồ Chí Minh là theo mô hình “chùm đô thị” (mô hình thành phố trong thành phố). Chính quyền đô thị sẽ giúp TP. Hồ Chí Minh tận dụng được các nguồn lực của mình để phát triển nhanh hơn. Theo ông Đua, đề án mà TP .Hồ Chí Minh đang kiến nghị Trung ương cho phép thí điểm có mô hình "thành phố trong thành phố" với bốn thành phố đông, tây, nam, bắc nằm trong đô thị lớn là TP.Hồ Chí Minh. Trong điều kiện các cơ quan, Quốc hội khi xem xét không đồng ý cho phép có mô hình "thành phố trong thành phố" thì có thể gọi bằng một tên gọi khác. Cũng theo ông Đua, hướng đi này không chỉ dành riêng cho TP.Hồ Chí Minh mà còn dành cho các tỉnh, thành khác trong cả nước khi các tỉnh, thành đó đạt đến các chỉ tiêu nào đó về quy mô dân số, kinh tế…

Tại kỳ họp lần này, các đại biểu còn nghe báo cáo và thảo luận, thông qua các tờ trình: Tờ trình của UBND TP.Hồ Chí Minh về kết thúc thu phí hoàn vốn dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường Điện Biên Phủ và Kinh Dương Vương, tiến hành thu phí hoàn vốn đầu tư dự án cầu Rạch Chiếc mới trên xa lộ Hà Nội; Tờ trình của Thường trực HĐND TP.Hồ Chí Minh về dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 561/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Hồ Chí Minh với chuyên đề lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.