(HNM) - Dù được đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực ở một số nền kinh tế chủ chốt, song năm 2015, kinh tế toàn cầu nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro...
Đây cũng là nội dung chính được bàn thảo tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa kết thúc tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 buộc phải thu hẹp các mục tiêu trọng tâm. |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cải cách khá chậm chạp tại các nền kinh tế phát triển. Một trong nhiều nguyên nhân được đưa ra là nhiều quốc gia vẫn đang chật vật khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát từ năm 2008. Trong khi đó, chính sách tiền tệ đầy mâu thuẫn giữa các quốc gia cũng là những nguy cơ gây ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn như Trung Quốc mới đây đã hạ tỷ lệ lãi suất trước thềm năm mới nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt bất thường, Ấn Độ quyết định cắt giảm tỷ lệ lãi suất trong bối cảnh lạm phát thấp hơn dự kiến và giá dầu hạ thấp. Ở một góc nhìn khác, giá dầu và hàng hóa khác giảm mạnh đã gây ra tình trạng lạm phát cao đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ buộc những nền kinh tế này phải tăng tỷ lệ lãi suất. Đáng chú ý hơn là cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và bộ ba chủ nợ - gồm Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - liên quan đến các điều khoản của gói cứu trợ vẫn ở thế bế tắc. Điều này có thể tạo thêm "sóng gió" cho Khu vực đồng tiên chung Châu Âu (Eurozone). Cuộc chiến thương mại giữa các nước phương Tây và Nga liên quan tới tình hình Ukraine cũng có thể đẩy lộ trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu đi chệch hướng.
Thực tế trên cho thấy, kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu mà giới lãnh đạo G20 đặt ra tại Hội nghị Brisbane (Australia) vào cuối năm ngoái đã trở thành mục tiêu khó khả thi, bởi lẽ phần lớn các quốc gia vẫn đang phải tập trung giải quyết không ít thách thức của chính mình để đóng góp vào công cuộc phục hồi kinh tế toàn thế giới. Vì thế, cuộc gặp tại Istanbul buộc phải thu hẹp những cam kết trong Kế hoạch hành động Brisbane xuống chỉ còn 5 đến 10 ưu tiên đối với mỗi nước để có thể dễ dàng kiểm tra tiến độ thực sự; đồng thời đặt ra việc soạn thảo danh sách những ưu tiên tăng trưởng đối với từng thành viên. Các quốc gia thành viên cũng cam kết sẽ điều chỉnh các chính sách tiền tệ và tài chính nếu cần thiết để ứng phó với những rủi ro của nền kinh tế ì ạch trong thời gian dài, đồng thời giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 2% vào năm 2018. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong môi trường đầy biến động hiện nay, các quốc gia cần sử dụng nguồn lực một cách khôn ngoan để hỗ trợ cho các chương trình xã hội với trọng tâm là người nghèo, đồng thời tiến hành cải cách cơ cấu đầu tư vào con người. Điều quan trọng là các nước cần phá bỏ mọi rào cản không cần thiết cho đầu tư vào khối tư nhân vì tính đến thời điểm này, khối tư nhân vẫn là nguồn tạo việc làm lớn nhất và có thể giúp đưa hàng trăm triệu người thoát nghèo.
Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt 3% năm 2015, 3,3% năm 2016 và 3,2% năm 2017, trong đó tăng trưởng của các nước đang phát triển dự báo sẽ tăng 4,8%, 5,3% và 5,4% trong các năm tương ứng. Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế thế giới vẫn sẽ ngổn ngang do sự chi phối của 4 yếu tố gồm thương mại toàn cầu đang suy giảm; khả năng biến động thị trường tài chính do lãi suất ở các nền kinh tế chủ đạo tăng ở các mốc thời gian không dự đoán được; giá dầu thấp gây áp lực đến cân đối tài chính ở các nước sản xuất dầu và nguy cơ suy thoái hoặc giảm phát kéo dài ở Châu Âu và Nhật Bản. Vì thế, dẫu đã có những chuyển biến đáng ghi nhận trong quá trình hồi phục nhưng nhìn chung, vẫn còn quá nhiều nguy cơ chi phối triển vọng của nền kinh tế toàn cầu và niềm lạc quan hiện vẫn bị giới hạn bởi những bất ổn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.