Thế giới

Căng thẳng leo thang ở Trung Đông:Kinh tế toàn cầu đối mặt “cơn bão dữ”

Quỳnh Dương 03/10/2024 - 07:24

Thời điểm đánh dấu 1 năm ngày bùng phát xung đột Israel - Hamas tại dải Gaza đã gần kề (7-10), nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng tại khu vực Trung Đông hạ nhiệt, thậm chí còn có xu hướng leo thang lan rộng. Ngay sau khi Iran bắn hàng trăm quả tên lửa vào Israel tối 1-10, trong phiên giao dịch ngày 2-10, thị trường chứng khoán và giá dầu - vốn được coi là “hàn thử biểu” của nền kinh tế thế giới đã xuất hiện biến động lớn.

chung-kh.jpg
Thị trường chứng khoán thế giới đi xuống trong ngày 2-10. Ảnh: Zeenews

Lo ngại khả năng xảy ra một cuộc xung đột toàn diện tại Trung Đông, cổ phiếu trên các sàn giao dịch châu Á giảm mạnh trong ngày 2-10, bắt kịp với đợt bán tháo tại trung tâm tài chính Phố Wall (Mỹ). Nhà đầu tư đổ xô đến các tài sản an toàn hơn, đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ xuống theo từng giờ châu Á, trong khi giá vàng dao động gần mức cao nhất mọi thời đại.

Chỉ số Nikkei trên sàn chứng khoán Nhật Bản giảm 1,5%, trong khi chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 1,3%. Tại châu Âu, thị trường chứng khoán đóng cửa ở mức thấp, xóa bỏ hoàn toàn đà tăng trước đó. Chỉ số Stoxx 600 giảm khoảng 0,4% với hầu hết các lĩnh vực đều có xu hướng tiêu cực. Mất điểm mạnh nhất là cổ phiếu ngân hàng, giảm 2,2%. Còn tại Mỹ, chỉ số S&P500 giảm 0,93%, chỉ số Nasdaq Composite bị “thổi bay” 1,5%.

Căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã hạ thấp niềm tin của các nhà đầu tư và làm dấy lên lo ngại về phản ứng của các thị trường nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hoạt động mua đã ồ ạt chuyển sang các tài sản được cho là an toàn hơn như vàng và đồng USD. Điều tương tự đã từng xảy ra khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2-2022. Lần này, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, phản ứng của thị trường sẽ phụ thuộc vào động thái tiếp theo của Israel sau khi Iran tuyên bố đợt tấn công bằng tên lửa đã kết thúc. Tehran cho biết, bất kỳ phản ứng nào của Israel sẽ phải đối mặt với "sự tàn phá to lớn".

Lo ngại tiếp theo là nguy cơ giá dầu tăng vọt, đẩy giá các mặt hàng khác “phi mã” khiến cho tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia càng thêm phức tạp. Trong phiên giao dịch ngày 2-10, quan ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu thô từ khu vực vùng Vịnh đã đẩy “vàng đen” tăng trên 1 USD/thùng. Giá dầu Brent tương lai tăng vọt 1,47%, lên 74,64 USD/thùng, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) tăng 1,6%, lên 70,95 USD/thùng.

Iran đóng vai trò quan trọng trên thị trường dầu thô toàn cầu và là thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ xếp Iran là nước sản xuất dầu lớn thứ 9, chiếm khoảng 4% sản lượng dầu thế giới. Mặc dù con số này có vẻ không nhiều so với thị trường dầu toàn cầu. Song, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các sự kiện trước đây như việc Iran quốc hữu hóa Công ty Dầu mỏ Anh - Iran thuộc sở hữu của Tập đoàn BP vào đầu những năm 1950; cuộc cách mạng Iran vào cuối những năm 1970 và chiến tranh Iran - Iraq vào đầu những năm 1980 đều khiến giá dầu thô tăng. Theo các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ, việc Iran - một thành viên của OPEC - tham gia trực tiếp vào xung đột làm dấy lên viễn cảnh gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.

Trưởng nhóm chiến lược gia toàn cầu của tập đoàn tài chính Mỹ LPL Financial Quincy Krosby cho biết, xung đột càng leo thang, giá dầu càng có nguy cơ tăng cao vì rủi ro cho khu vực sản xuất dầu xung quanh Iran sẽ gia tăng khi các hoạt động quân sự mở rộng trong khu vực. Sự gián đoạn đối với các tuyến cung cấp dầu chính như Eo biển Hormuz hoặc thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dầu quan trọng có thể khiến giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 100 USD Mỹ/thùng trong vài tuần.

Khi giá dầu leo thang, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến đời sống người dân tại nhiều quốc gia lao đao trong thời gian qua sẽ càng thêm phức tạp. Theo nhóm chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu chính sách Brookings (Mỹ), nền kinh tế toàn cầu vẫn trong tình trạng bấp bênh do những tác động kéo dài của các cuộc khủng hoảng chồng chéo trong nhiều năm qua. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại vào những tháng tới; áp lực lạm phát vẫn tiếp diễn; rủi ro tài chính gia tăng trong bối cảnh mức nợ công cao và căng thẳng địa chính trị liên tục leo thang.

Các đợt căng thẳng địa chính trị gia tăng trong quá khứ, gần đây nhất là xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022, đã dẫn đến những cú rung lắc mạnh của thị trường. Đặc biệt, sự leo thang chiến tranh tại Trung Đông sẽ tiếp tục giáng thêm một đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu, vốn đang trên đà phục hồi mong manh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng leo thang ở Trung Đông: Kinh tế toàn cầu đối mặt “cơn bão dữ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.