(HNM) - Dù tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 đạt mức 5,7%, mức ấn tượng nhất kể từ năm 1984, song nước Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều nỗi lo trong năm 2022 khi thâm hụt thương mại lần đầu vượt ngưỡng 100 tỷ USD, lạm phát lên cao nhất trong 4 thập kỷ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 vẫn là một “biến số” khó lường với nền kinh tế đầu tàu của thế giới.
Theo Hãng tin Reuters, trong tháng 12-2021, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 3%, lên mức cao nhất mọi thời đại là 101 tỷ USD. Đây cũng là lần đầu tiên thâm hụt thương mại của nền kinh tế số 1 thế giới vượt ngưỡng 100 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu sản xuất, xe cơ giới và hàng tiêu dùng. Theo nhà kinh tế học nổi tiếng của Mỹ Rubeela Farooqi, nhu cầu tăng mạnh và sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã khiến nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh, vượt xa xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng này sẽ tiếp diễn ít nhất tới giữa năm 2022.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ vào tháng 12-2021 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tốc độ tăng theo năm nhanh nhất kể từ năm 1982. Tháng 12-2021 cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát vượt mức 6% khiến chi phí sinh hoạt của các gia đình tăng.
Theo báo Wall Street Journal, giá năng lượng cao là nguyên nhân khiến lạm phát tăng đột biến và nguy cơ xuất hiện của một đợt tăng giá dầu khác sẽ làm cho bức tranh lạm phát trở nên u ám hơn. Nhà ở cũng như xe hơi và xe tải là những mặt hàng tăng giá, đóng góp lớn nhất vào tỷ lệ lạm phát, với mức tăng lần lượt là 0,4% và 3,5% so với tháng 11-2021. Giá lương thực tiếp tục tăng 0,5%, nhưng không cao như mức tăng của các tháng trước. Sự mất cân bằng cung - cầu liên quan đến đại dịch Covid-19, cùng với các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế, đã đẩy giá cả tăng cao. Điều này đang gây những khó khăn thực sự cho người tiêu dùng.
Tốc độ gia tăng lạm phát cũng được cho là sẽ gây áp lực lên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bối cảnh Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ trong năm nay. Các cuộc thăm dò chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ gần đây nhất đều cho thấy, tâm lý bi quan về tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất cao khi hàng triệu người mất việc làm.
Điều đáng ngại là các “nút thắt” mới liên quan đến đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục là nguyên nhân làm hạn chế nguồn cung, khiến giá tăng cao hơn. Các chuyên gia kinh tế nhận định, biến chủng Omicron xuất hiện vào đúng thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu phát đi những tia hy vọng le lói về khả năng phục hồi.
Đầu năm 2021, sự xuất hiện của biến chủng Delta, kéo theo đó là hàng loạt biện pháp phong tỏa, hạn chế, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, hiện còn quá sớm để đánh giá liệu những điều tương tự có xảy ra tại các nhà máy, cảng và các công ty vận tải đường bộ với biến chủng Omicron hay không. Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty đa quốc gia RSM, cho biết: “Đại dịch vẫn là tác nhân tiềm ẩn lớn nhất gây xáo trộn nền kinh tế nước Mỹ và toàn cầu”.
Không thể phủ nhận hiệu quả của gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ J.Biden ký ban hành cách đây 10 tháng đối với nền kinh tế xứ Cờ hoa vì đã tạo ra hàng triệu việc làm mới, đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vắc xin phòng Covid-19, trợ giúp những gia đình gặp khó khăn và mang lại cơ hội tồn tại cho các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, đứng trước những rủi ro có thể xảy ra với nền kinh tế, chính quyền Tổng thống J.Biden còn phải vượt qua không ít sóng gió để xây dựng nước Mỹ tốt hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.