Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Hàn Quốc: Bốn bước đi hướng tới phục hồi

Quỳnh Dương| 15/02/2023 07:07

(HNM) - Chính phủ Hàn Quốc vừa đề ra 10 nhiệm vụ lớn để cải thiện xuất khẩu và đầu tư, đây là nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi “bờ vực” suy thoái, hướng tới phục hồi. Các nhiệm vụ nói trên dựa trên 4 bước đi mang tính phương hướng, gồm: Đối phó với các rủi ro thương mại; mở rộng mạng lưới giao thương sang các nền kinh tế mới nổi; tăng cường vai trò của thương mại nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và đầu tư; đóng góp cho cộng đồng quốc tế xứng tầm với vị thế của quốc gia.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại một cảng của Hàn Quốc.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á và có mức độ phụ thuộc lớn vào thương mại đã phải chứng kiến sự sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0,4% trong quý IV-2022. Sự sụt giảm này đưa kinh tế Hàn Quốc ngấp nghé suy thoái lần đầu tiên kể từ giữa năm 2020 - thời điểm căng thẳng của đại dịch Covid-19.

Thâm hụt thương mại năm 2022 của nước này cũng được ghi nhận ở mức cao kỷ lục kể từ năm 2008, thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tính đến tháng 1, Hàn Quốc đã thâm hụt thương mại 11 tháng liên tiếp. Cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) nhận định, thâm hụt thương mại của nước này cao kỷ lục là do ảnh hưởng từ việc giá nguyên vật liệu quốc tế leo thang sau khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine khiến nhập khẩu tăng vọt. Ba mặt hàng năng lượng lớn của Hàn Quốc cần nhập khẩu là dầu thô, khí đốt và than đá đạt 180,41 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu lại bị thu hẹp do nền kinh tế toàn cầu đình trệ càng khiến quy mô thâm hụt cán cân thương mại của Hàn Quốc càng tăng mạnh.

Để cải thiện tình trạng nhập siêu và tăng cường thu hút đầu tư, Chính phủ Hàn Quốc đã tung ra nhiều gói biện pháp dựa trên hàng trăm kiến nghị của các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hàng loạt cuộc khảo sát. Đây cũng là một phần nội dung được đưa ra tại Diễn đàn Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, tổ chức ở thủ đô Seoul, ngày 13-2 vừa qua. Trong đó, 10 nhiệm vụ lớn được đề cập nhằm lấy lại cân bằng trong cán cân thương mại.

Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc và giới doanh nghiệp trong nước có kế hoạch xúc tiến các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) theo khái niệm mới, với hình thức “Hiệp định Đối tác kinh tế” (EPA), trong đó bổ sung thêm các yếu tố hợp tác cho hệ thống FTA vốn có như: Chuỗi cung ứng, kỹ thuật số và chuyển giao công nghệ, đối với các nước mới nổi có tiềm lực tăng trưởng cao. Cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ tiến hành đàm phán với mục tiêu ký kết FTA theo phương thức trên với hơn 10 nước trong năm 2023, bao gồm các nước khu vực Trung Đông và Trung Nam Mỹ.

Bên cạnh đó, thay vì đàm phán về thuế, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tập trung vào việc ký kết Khung xúc tiến thương mại và đầu tư (TIPF), tập trung vào việc mở rộng cơ hội để các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào thị trường và bảo đảm được động lực hợp tác. Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc và Hiệp hội Thương mại quốc tế cũng lập kế hoạch xúc tiến thảo luận nhằm đạt mục tiêu ký kết TIPF với hơn 20 quốc gia ngay trong năm 2023, tập trung vào các nước ở khu vực Trung Đông, Trung Nam Mỹ, Đông Âu, Trung Á và châu Phi.

Ngoài ra, hai cơ quan này cũng nhất trí sẽ nỗ lực để ký kết hơn 5 bản ghi nhớ hợp tác về chuỗi cung ứng với các nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc bảo đảm nguồn cung các loại khoáng sản quan trọng.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế năm 2023, Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc dự báo, kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng 1,6% trong năm tới, giảm mạnh so với mức dự báo tăng trưởng 2,5% đưa ra trước đó. Những nỗ lực xem xét toàn diện các rủi ro và bình ổn kinh tế vĩ mô đang được kỳ vọng sẽ giúp nước này tránh được nguy cơ suy thoái như đã cảnh báo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Hàn Quốc: Bốn bước đi hướng tới phục hồi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.