Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Hàn Quốc: Nỗ lực phục hồi tăng trưởng

Quỳnh Dương| 17/12/2022 06:56

(HNM) - Trong những tháng gần đây, nền kinh tế Hàn Quốc, vốn chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19, tiếp tục rơi vào tình trạng bấp bênh bởi những chỉ số công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu đều giảm sâu. Hiện, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi tăng trưởng nhằm đưa nền kinh tế nước này tránh khỏi nguy cơ đình trệ như dự báo của nhiều tổ chức tài chính.

Nhiều mặt hàng tăng mạnh khiến chỉ số lạm phát tại Hàn Quốc liên tục ở mức cao.

Số liệu thống kê của cơ quan Hải quan Hàn Quốc (KCS) vừa công bố cho biết, cán cân thương mại lũy kế từ đầu năm tới ngày 10-12 ghi nhận mức thâm hụt cao kỷ lục, lên tới 47,46 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu 3 mặt hàng năng lượng lớn của Hàn Quốc là dầu thô, khí đốt và than đá đạt 180,41 tỷ USD, tăng 72,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu lại bị thu hẹp do nền kinh tế toàn cầu đình trệ càng khiến quy mô thâm hụt cán cân thương mại của Hàn Quốc tăng mạnh. Cụ thể, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 10-2022 giảm 5,8%, tháng 11-2022 giảm 14% và 10 ngày đầu tháng 12-2022 giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, tính tới tháng 11-2022, xuất khẩu chíp bán dẫn - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc - đã ghi nhận mức giảm 4 tháng liên tiếp. Giới chuyên gia nhận định cán cân thương mại của Hàn Quốc sẽ tiếp tục đà thâm hụt trong năm 2023 do xuất khẩu đình trệ tương tự năm 2022.

Trong báo cáo vừa công bố, Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) nhận định, nền kinh tế xứ sở Kim chi khả năng cao sẽ đình trệ trong thời gian tới bởi nợ hộ gia đình và chỉ số lòng tin của doanh nghiệp đang xấu đi. Lĩnh vực tiêu dùng của Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng khi doanh số bán lẻ tiếp tục giảm từ tháng 8-2022. Về lĩnh vực tài chính, các chuyên gia của KDI lo ngại, thị trường vốn ngắn hạn của Hàn Quốc đang tiếp tục bất ổn do áp lực lớn từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các nước.

Trước những thách thức nêu trên, Chính phủ Hàn Quốc đang triển khai các biện pháp quyết liệt ổn định tài chính, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cải thiện thị trường lao động... để vực dậy tăng trưởng kinh tế. Nhằm đối phó với động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) tăng lãi suất tổng cộng 2,75 điểm phần trăm kể từ tháng 8-2021, đưa lãi suất cơ bản của Hàn Quốc lên mức 3,25%. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng tích cực tung ra nhiều chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để tạo thêm động lực tăng trưởng kinh tế như nới lỏng các quy định về nhập khẩu xe điện, hóa chất và các danh mục khác.

Gần đây nhất, Chính phủ Hàn Quốc vừa phê duyệt “Kế hoạch cơ bản về xúc tiến du lịch lần thứ VI giai đoạn 2023-2027”, trong đó đặt ra 4 mục tiêu lớn: Đón 30 triệu lượt khách du lịch nước ngoài; đạt 30 tỷ USD doanh thu du lịch; dành 15 ngày cho du lịch nội địa; chi tiêu cho du lịch nội địa đạt 50.000 tỷ won (30 tỷ USD) vào năm 2027. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đề ra các nhiệm vụ tương ứng với 4 mục tiêu lớn gồm: Biến Hàn Quốc trở thành quốc gia du lịch hấp dẫn đối với khách nước ngoài; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện cuộc cách mạng đổi mới ngành Du lịch; cùng thúc đẩy du lịch nội địa với người dân và thúc đẩy kinh tế khu vực bằng cách phát triển nguồn tài nguyên du lịch mang bản sắc riêng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, bất chấp những nỗ lực kể trên, sự phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài. Cụ thể là nếu tình hình ở Ukraine xấu đi, giá nguyên liệu thô và ngũ cốc tăng mạnh sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu và giảm tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, nếu Mỹ tiếp tục tăng lãi suất, hoặc nền kinh tế toàn cầu mất đà tăng ở mức đáng kể, thì tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ chậm lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Hàn Quốc: Nỗ lực phục hồi tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.