(HNM) - Tình hình kinh tế của Hà Nội đã có những dấu hiệu tích cực hơn, góp phần vào kết quả khả quan 9 tháng.
Chín tháng năm 2013, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội tăng 4,4% so với cùng kỳ. Ảnh: Nguyễn Huy |
Sản xuất công nghiệp tăng
Chín tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp xây dựng tăng 7,42% (đóng góp 3,28% vào mức tăng chung). Sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khăn do sức mua yếu, hàng tồn kho nhiều, lãi suất cho vay ngân hàng tuy giảm, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh còn hạn chế... Thành phố đã thực hiện tích cực các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại giữa DN và lãnh đạo thành phố, giữa cộng đồng DN với ngân hàng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho DN... nên sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng 8,9%, đóng góp 4,47% vào mức tăng chung. Do tiền lương cơ bản từ tháng 7 tăng, nên các ngành khối hành chính sự nghiệp như quản lý nhà nước, giáo dục, văn hóa, y tế… có tốc độ tăng khá. Các ngành dịch vụ khác vẫn duy trì được tốc độ tăng. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 4,4% so cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu khả quan, hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp đều đã tăng trở lại. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng chung của toàn ngành như dệt, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất xe có động cơ...
Sức mua phục hồi chậm
Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tháng 9 tăng 1,1% so tháng trước (bán lẻ tăng 1,2%) và tăng 15,8% so cùng kỳ, tính chung 9 tháng tăng 12,1% so cùng kỳ, trong đó, bán lẻ tăng 12,3%. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiếp tục diễn biến phức tạp, song kinh tế Hà Nội đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thị trường và sức mua phục hồi chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ.
Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt 7.404,7 triệu USD, giảm 1,5% so cùng kỳ năm trước, trong đó, xuất khẩu địa phương giảm 0,9%. Đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng may dệt, tăng 14,3% so cùng kỳ. Nhóm hàng giày, dép các loại và sản phẩm từ da tăng 23,9%. Nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ là: nông sản, xăng dầu, đặc biệt là gạo. Nguyên nhân do thời gian qua mưa nhiều làm chậm tiến độ giao hàng, chất lượng lúa gạo không tốt ảnh hưởng đến nguồn cung xuất khẩu; gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chậm do nước này bắt đầu vào vụ thu hoạch, xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền bị hạn chế. Ngoài ra, Thái Lan lượng hàng tồn kho lớn nên ồ ạt xuất khẩu với giá thấp, thêm vào đó Myanmar cũng tăng cường tham gia thị trường xuất khẩu gạo càng làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mặt hàng cà phê, chiếm tỷ trọng 24% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, lại có tốc độ tăng 66,1%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 17.229,5 triệu USD, giảm 3,5% so cùng kỳ, trong đó nhập khẩu địa phương giảm 2,1%. Hầu hết các mặt hàng đều giảm so với cùng kỳ là máy móc thiết bị phụ tùng, phân bón, hóa chất, xăng dầu… Hai mặt hàng nhập khẩu tăng là sắt thép, chất dẻo.
Chín tháng, chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12 năm trước tăng 5,79%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm so cùng kỳ tăng 6,17%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.