Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Hà Nội hồi phục trong thách thức

Hiền Lương| 08/04/2013 13:45

(HNMO) - Ngày 8-4, BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 12 xem xét một số nội dung quan trọng.

Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã xem xét, thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm; sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) và báo cáo kết quả công tác quy hoạch cán bộ diện T.Ư và Ban Thường vụ Thành ủy quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Toàn cảnh kỳ họp.


Kinh tế có dấu hiệu hồi phục

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị điểm lại kết quả tình hình kinh tế-xã hội 3 tháng đầu năm, sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Bí thư Thành uỷ đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những hạn chế, khuyết điểm, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để đề xuất những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Một trong những yêu cầu quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 trong thời gian tới là từng cấp ủy, đơn vị, cá nhân cán bộ, đảng viên phải đề ra được chương trình hành động khắc phục yếu kém; gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện tốt yêu cầu của năm 2013 là Năm kỷ cương hành chính. Đây vừa là nhiệm vụ phải tiến hành thường xuyên, vừa là giải pháp có tính chiến lược nhằm tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, rèn luyện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH Thủ đô.

Trong sáng nay, hội nghị đã nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng 3 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm. Theo báo cáo của UBND TP do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu trình bày, quý I năm 2013, kinh tế Thủ đô có mức tăng cao hơn và mức lạm phát thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,5%, cao hơn mức 7,3% của năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng, tương ứng 0,3% và 2,9% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, khách tham quan đến Hà Nội tăng 12,7%, trong đó, khách quốc tế đạt 425 nghìn lượt, tăng 18,9% so với quý I năm 2012. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sau thời gian tăng trưởng âm thì đến quý I năm nay cũng tăng khá, đạt 7,7% so với cùng kỳ năm trước…

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp, xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ, đạt 7,3% (so với mức 7,9% quý I/2012). Theo thống kê của 45 sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 3 tháng đầu năm, có 25 sản phẩm giảm sản lượng, trong đó, có 5 sản phẩm giảm tới 60%. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I khoảng 3,7 nghìn doanh nghiệp với số vốn là 15,1 nghìn tỷ đồng (bằng 79% số DN và 93% về số vốn so với quý I/2012). Lũy kế đến hết tháng 3/2013, toàn TP có 2.271 DN ngừng hoạt động (tăng 19% so với cùng kỳ). Cùng với đó, tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 3 ước đạt 624.250 tỷ đồng, giảm 4,39% so với tháng 12/2012. Nợ xấu có xu hướng gia tăng, tính đến cuối tháng 2/2013 là 6,29%.

Nhiều khó khăn phức tạp

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, Hoàng Công Khôi cho biết, trong quý I, trên địa bàn quận có trên 300 DN giải thể, một số DN khác lâm vào cảnh khó khăn ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Ông đề nghị cần tích cực hỗ trợ DN mới có thể nuôi dưỡng nguồn thu trong thời gian tới. Các chính sách hỗ trợ cần hết sức cụ thể. Bí thư Huyện ủy Thanh Oai, Phùng Thị Hồng Hà cũng khẳng định, DN đang rất khó khăn khi trên 1300 DN trên địa bàn kê khai không có doanh thu hoặc có doanh thu nhưng không có lãi. Một số lãnh đạo quận, huyện đề nghị thành phố cần có gói tín dụng hỗ trợ các cơ sở sản xuất, DN làng nghề khắc phục khó khăn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội khẳng định, tăng trưởng thương mại, dịch vụ thành phố tuy cao, nhưng chi phí bán hàng cũng tăng lớn nên hiệu quả thực tế rất thấp. Ông dự báo tình hình chung năm 2013 sẽ khó khăn hơn, nợ xấu sẽ tăng, thị trường hàng hóa sẽ tiếp tục thay đổi, người tiêu dùng sẽ đắn đo hơn khi mua sắm. Ông đề nghị ngành ngân hàng phải vào cuộc hỗ trợ DN đặc biệt là giúp đỡ các DN tư nhân, cổ phần tiếp cận vốn vay. Một số ý kiến còn cảnh báo về tình trạng lợi dụng lý do khó khăn để chiếm dụng vốn giữa DN với DN, giữa DN với ngân hàng đang gia tăng. Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành phố Hà Nội khẳng định, các ngân hàng đang tích cực chia sẻ khó khăn với các DN. Dẫn chứng là đến nay, các khoản cho vay có lãi suất trên 15% chỉ còn 14% trên tổng dư nợ cho vay. Bà Sương cũng cho biết, chưa khi nào việc huy động vốn của ngân hàng lại khó khăn như quý I vừa qua. Về tín dụng cho làng nghề, bà Sương đề nghị các hiệp hội tích cực hoạt động với vai trò làm trung gian giữa ngân hàng và DN làng nghề để tiếp cận vốn.

Phát biểu tổng hợp thảo luận nội dung này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các cấp, các ngành cần phát huy tinh thần chủ động, quyết liệt, năng động và sáng tạo hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, giải quyết nhiều việc làm hơn và kiềm chế lạm phát tốt hơn trong quý tới. Trong đó, chú trọng vào 7 nhóm giải pháp, hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, xúc tiến thương mại. Về vốn, lãi suất, khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp thông qua các quỹ và ngân hàng. Triển khai hiệu quả gói 100 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất; khơi thông thị trường bất động sản, cải thiện chỉ số PCI, tập trung công tác thông tin, tuyên truyền…

Chủ tịch thành phố lưu ý các ngành, các cấp tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, đơn thư khiếu nại tố cáo, những kiến nghị chính đáng của nhân dân, giảm bức xúc của nhân dân. Trước đây, có một số trường hợp có thể giải quyết được kiến nghị chính đáng của người dân, nhưng các đơn vị tổ chức đã không vận dụng hết các chính sách, điều kiện, dẫn đến bức xúc lại càng bức xúc thêm. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm, cần phải vận dụng tất cả những quy định, cơ chế chính sách và điều kiện có thể, giải quyết kịp thời, chu đáo các đề nghị, kiến nghị chính đáng của người dân, giải tỏa các bức xúc không đáng có.

Chủ tịch đề nghị trong thời gian tới, các ngành, các cấp cần tập trung tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 4, tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; triển khai các nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của thành phố trong việc thực hiện Luật Thủ đô; chuẩn bị tổ chức phòng chống lụt bão, chăm lo tốt vụ xuân, phòng chống dịch bệnh trong cây trồng, vật nuôi; đẩy nhanh tiến độ XDCB; tập trung công tác lập quy hoạch chung các huyện.

Chiều nay, hội nghị tiếp tục làm việc.

Phát biểu khai mạc của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị

Ba tháng qua, trong bối cảnh phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, thành phố đã chủ động tập trung triển khai sớm, đồng bộ nhiệm vụ phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của Thủ đô. Với quyết tâm cao và sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, quý I, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5% cao hơn 7,3% của quý I/2012. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; một số vụ vi phạm nghiêm trọng đã được xử lý kiên quyết, có tác dụng giáo dục và răn đe tốt hơn. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo được chuyển biến tích cực và sự phấn khởi đối với bà con nông dân. Trong lĩnh vực giao thông đô thị, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, tình trạng ùn tắc được cải thiện rõ rệt. Văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực, trong đó có sự đóng góp của lực lượng 141 của Công an thành phố. Quan hệ đối ngoại, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong cả nước tiếp tục được mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn. Thành phố đã tổ chức cho nhân dân đón Tết nguyên đán Quý Tỵ vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm; đặc biệt là chăm lo tới các đối tượng chính sách của thành phố với tinh thần mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý I có những chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu. Đó là tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với kế hoạch; công nghiệp – xây dựng tăng trưởng chậm; lạm phát, giá cả thị trường tiếp tục diễn biến phức tạp; thu ngân sách đạt thấp so với cùng kỳ. Chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn bộc lộ nhiều hạn chế; năng lực quản lý, điều hành và sự phối hợp giữa một số cấp, ngành, ý thức trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo, quản lý còn yếu. Việc chỉ số năng lực cạnh tranh thành phố sụt giảm 15 bậc so với năm trước đòi hỏi phải nghiêm túc xem xét, làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và biện pháp khắc phục.

Tình hình 9 tháng cuối năm được dự báo còn nhiều khó khăn nên đòi hỏi trong chỉ đạo điều hành cũng như tổ chức thực hiện cần phải chủ động, linh hoạt hơn nữa; bám sát tình hình, tăng cường công tác dự báo, đề ra các giải pháp phù hợp để cụ thể hóa hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra (…)

Về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, năm qua, bám sát chỉ đạo của TƯ và căn cứ tình hình thực tế, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc, chủ động, sáng tạo theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư “Đảng bộ Thủ đô làm gương trong việc thực hiện Nghị quyết”. Quá trình triển khai Nghị quyết đã tạo được chuyển biến tích cực trên mặt công tác. Nhận thức về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay của đại đa số cán bộ, đảng viên được nâng lên. Thông qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đặc biệt là việc tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố có tác dụng giáo dục cảnh báo, hạn chế được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên trong toàn bộ Đảng bộ.

Qua kiểm điểm, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, khắc phục ngay một số hạn chế, khuyết điểm. Đó là kiên quyết xử lý ngay những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị; thu hồi một số dự án chậm triển khai; đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông; đặc biệt là việc tập trung thi công nhanh 5 cầu vượt; chỉ đạo việc xây dựng nông thôn mới; thực hiện dồn điền đổi thửa; tăng cường chỉ đạo cải cách hành chính; hạn chế các đoàn đi nước ngoài; ban hành Chỉ thị 11về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; triển khai Kế hoạch 78-KH/TU về tổ chức làm thí điểm lấy phiếu tín nhiệm 20 chức danh chủ chốt của thành phố và lãnh đạo 7 sở, ngành...

Mặc dù so với yêu cầu và mong muốn còn chưa đáp ứng, song trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều đơn vị, những chuyển biến tích cực đã được thông qua nhận thức, tinh thần trách nhiệm trước công việc đã được nâng lên rõ rệt.

Những kết quả bước đầu nói trên từng bước đẩy lùi, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng; có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhắc nhở mọi người tự soi, tự sửa; đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với những trường hợp có sai sót, vi phạm; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, tổ chức Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của thành phố.

Qua một năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4, Thành ủy đã chủ động sơ kết, nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện. Hội nghị lần này là dịp để chúng ta tiếp tục đánh giá toàn diện và sâu sắc hơn kết quả thực hiện Nghị quyết ở mỗi cấp, mỗi ngành và trong toàn Đảng bộ (…).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Hà Nội hồi phục trong thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.