Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế đô thị với sự phát triển của Hà Nội

Gia Khánh| 31/08/2020 06:32

(HNM) - 1. Kinh tế đô thị được hiểu là tổ hợp một số ngành kinh tế phi nông nghiệp, có đặc trưng tập trung về địa lý, tiến bộ về công nghệ, chuyên môn hóa hệ thống tổ chức và hiệu quả kinh doanh cao. Kinh tế đô thị không chỉ có ngành sản xuất vật chất, kinh doanh mà còn bao gồm các ngành sinh hoạt xã hội như dịch vụ, du lịch, tiền tệ, bảo vệ môi trường… Như vậy, bên cạnh yếu tố vật chất như đất đai, tài nguyên, lao động, kinh tế đô thị còn bao gồm các yếu tố sinh hoạt đô thị như các loại hàng hóa lưu động, kiến trúc, công trình công cộng…

Với khái niệm này, Hà Nội có nhiều hoạt động kinh tế đô thị đang diễn ra và có đủ các điều kiện để phát triển kinh tế đô thị, đưa kinh tế đô thị là động lực phát triển.

Trước hết về diện tích tự nhiên, Hà Nội đã đủ rộng cho sự phát triển. Ngoài đô thị trung tâm, Hà Nội được quy hoạch phát triển 5 đô thị vệ tinh với chức năng riêng biệt, có thể thu hút đầu tư phát triển dịch vụ chất lượng cao.

Hà Nội cũng có ưu thế về vị trí địa lý khi là đầu mối giao thương, kết nối với các tỉnh, thành phố và quốc tế. Thời gian qua, hệ thống hạ tầng tiếp tục được phát triển, quy hoạch được hoàn thiện, với các trung tâm đô thị mới hiện đại như Tây Hồ Tây, hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài…

Với tính chất là đô thị đặc biệt, Thủ đô - trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, Hà Nội là nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc; có thế mạnh trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các nguồn lực đầu tư…

2. Trong quá trình quản lý, phát triển, không phải Hà Nội không nhận ra vai trò của kinh tế đô thị.

Tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội, một số ngành, lĩnh vực kinh tế đô thị, như du lịch, thương mại, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ công… đã được xác định tập trung ưu tiên phát triển. Trong đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với nhiều loại hình, như du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái… Bên cạnh việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, Hà Nội cũng từng bước hình thành, phát triển lĩnh vực và thành phần cơ bản của kinh tế tri thức (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới…)...

Tiếp đó, tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, các ngành, lĩnh vực Thủ đô có thế mạnh, nhất là dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục được xác định phát triển mạnh mẽ. Đó là hệ thống trung tâm thương mại; dịch vụ hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ… Đó là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán để từng bước xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng trong khu vực. Cùng với đó, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, hệ thống hạ tầng thông tin - truyền thông, bưu chính - viễn thông cũng phát triển nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. 

Cùng với dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI đã thống nhất đưa vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ngoài duy trì 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ bổ sung thêm chương trình “Chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”. Trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội, về các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm cũng có nội dung “Nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững”. Điều đó cho thấy vấn đề phát triển kinh tế đô thị đã được nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn.

Song, để xây dựng được các ngành kinh tế đô thị phát triển như mục tiêu đề ra cũng là chặng đường dài khó khăn, đòi hỏi nhà quản lý phải có cơ chế, chính sách phù hợp; nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thiện quy hoạch đô thị. Mục tiêu thành phố dự kiến là đến năm 2025, Hà Nội trở thành trung tâm thương mại lớn về giao thương và kinh tế của cả nước, khu vực Đông Nam Á. Phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ, chú trọng thương mại điện tử, các hình thức thanh toán trên nền tảng công nghệ hiện đại. Khai thác lợi thế từ các hiệp định thương mại, lợi thế địa kinh tế của thành phố thông qua phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại. Khuyến khích kinh doanh dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, trung tâm tài chính thương mại quốc tế, trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao…

Đây là bước đệm để Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế đô thị với sự phát triển của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.