Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội được UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện qua nhiều giai đoạn khảo sát công phu, kỹ lưỡng. Hiện, Đề án đang thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học cũng như chính quyền các địa phương trong diện thực hiện.
6 tiêu chí cùng 9 mô hình khai thác
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thông tin, 3 nguyên tắc xây dựng Đề án Quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội là lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông. Hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận. bảo đảm đúng mục đích và phạm vi cho phép.
Đại diện đơn vị tư vấn thực hiện Đề án, PGS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, căn cứ vào số lượng các tuyến phố đề xuất của 17 quận, huyện, thị xã, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng (Sở Xây dựng) cùng các chuyên gia tư vấn đã khảo sát toàn diện hiện trạng, kết cấu hè phố tại 273 tuyến phố, với 468 đoạn tuyến và 899 hè phố.
Từ kết quả khảo sát cùng bài học tham khảo cả trong nước và quốc tế, Đề án thiết lập 6 nhóm tiêu chí sử dụng hè phố. Trong đó, tiêu chí đầu tiên là hè phố phải có chiều rộng tối thiểu 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ và bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện. Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.
Tổ soạn thảo cũng đã đề xuất 9 mô hình trong quản lý, khai thác và sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhằm bảo đảm tính khả thi, khả dụng và là cơ sở để áp dụng trên địa bàn thành phố, trong đó ưu tiên tập trung tại khu vực phố cổ, phố cũ. 9 mô hình này được thiết kế dựa trên các tiêu chí khu phố cổ có hè phố nhỏ hơn 3m; các hè phố có bề rộng 3-4,5m; 4,5-6m; 6-7,5m và trên 7,5m.
Phân cấp nhiều nội dung cho địa phương
Đánh giá Đề án được thực hiện công phu, chi tiết, nội dung tham khảo hoàn chỉnh, đầy đủ, logic, khoa học, đặc biệt đã đưa ra 9 mô hình, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung băn khoăn về việc bố trí chỗ đỗ xe trên vỉa hè các tuyến phố nhỏ. Ông viện dẫn, theo thống kê, trên 40% các tuyến phố của Hà Nội có diện tích vỉa hè hẹp dưới 3m. Do đó, Đề án cần phải nghiên cứu rộng hơn nữa so với 9 mô hình hiện nay.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng cho rằng, Đề án nên tìm cách tiếp cận mới phù hợp hơn, có thể đưa ra giải pháp tổng thể nhưng cần tập trung triển khai cụ thể tại 1-2 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm.
Tại các khu vực có hoạt động đô thị đặc thù có thể chia sẻ không gian lòng đường, hè phố cho các hoạt động giao thông với dịch vụ thương mại như phố đi bộ cuối tuần, hội chợ, kinh tế đêm… Ngoài ra, cần có phương án tổ chức khai thác không gian lòng đường, hè phố phù hợp, hiệu quả, công bằng đúng quy định của pháp luật.
Đánh giá cao 9 mô hình đưa ra, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam kiến nghị, Đề án cần nghiên cứu trong bối cảnh đô thị Hà Nội tiến tới hiện đại và đồng bộ. “Chúng ta phải nhận thức vỉa hè, lòng đường không chỉ có công dụng cho lưu thông, hạ tầng kỹ thuật mà đó là không gian công cộng, nơi giao lưu văn hóa, dịch vụ thương mại. Đó là “phòng khách” của đô thị. Từ ngàn đời nay, vẫn có chuyện kinh tế đan xen trong thực hiện các chức năng của vỉa hè, lòng đường”, chuyên gia nêu.
Từ thực tiễn quản lý trên địa bàn phường thuộc khu vực phố cũ của Hà Nội, Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Đình Thu nhất trí cao với phương án Sở Xây dựng đang hoàn thiện, tham mưu với thành phố trong quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Từ nghiên cứu kỹ 9 mô hình nêu trong đề án, ông Nguyễn Đình Thu khẳng định, nhiều tuyến phố trên địa bàn phường, trong đó có tuyến Quang Trung, đã hội tụ đủ điều kiện và sẵn sàng áp dụng mô hình thứ 7, với hè phố rộng từ 6-7,5m.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, Đề án được xây dựng để áp dụng trên toàn địa bàn thành phố. Việc khảo sát đã thực hiện trên địa bàn toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã để đơn vị tư vấn, chuyên gia đánh giá đầy đủ hiện trạng, đưa ra 9 mô hình mang tính định hướng.
Khi triển khai, các địa phương căn cứ hiện trạng thực tế hoặc bất cập phát sinh để điều chỉnh, bảo đảm tính linh hoạt. Về thu phí, tổ soạn thảo nghiên cứu kỹ, dựa trên căn cứ của Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mức thu phí cụ thể sẽ được các quận, huyện triển khai chi tiết trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, UBND cấp huyện cũng sẽ lấy ý kiến các hộ dân thuộc biển số nhà khu vực cấp phép kinh đoanh để bảo đảm đồng thuận và có ưu tiên cho người dân đã kinh doanh ở vị trí đó. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân, Sở Xây dựng đang hoàn thiện Đề án để trình UBND thành phố.
TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng:
Phân đoạn lộ trình thực hiện rõ ràng
Hè phố là không gian công cộng quan trọng của đô thị. Để khai thác, quản lý vỉa hè, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tiên phong và đạt một số thành công.
Tôi đánh giá cao nhóm nghiên cứu thực hiện Đề án khi đã tập hợp được bộ hồ sơ có giá trị về dữ liệu của 468 đoạn tuyến. Đây là dữ liệu quan trọng để lựa chọn những khu vực có thể sử dụng hè phố làm không gian công cộng.
Thành phố nên khuyến khích sử dụng hè phố vào hoạt động ban đêm. Hiện nay có một số hoạt động ban đêm không cấp phép nhưng vẫn diễn ra. Do đó, nên chính sách hóa khu vực này để công khai sử dụng lòng đường, hè phố. Hà Nội cũng nên có bộ phận chuyên trách về việc quy hoạch, quản lý cho thuê, duy tu khu vực vỉa hè để có tầm nhìn toàn thành phố.
Ngoài ra, Đề án cần đặt ra lộ trình thực hiện rõ ràng. Với 273 tuyến phố trong phạm vi khảo sát không thể thực hiện đồng bộ mà cần có lộ trình, phân đoạn. Cũng cần phải có dự trù về kinh phí để đầu tư vào khu vực vỉa hè, lòng đường cho thuê.
Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc Nguyễn Hùng Dũng:
Người dân đồng tình nếu được thuê vỉa hè
Một số nội dung của Đề án khi đưa vào thực hiện trong khu vực phố cổ, phố cũ sẽ rất phù hợp. Trên địa bàn phường, diện tích vỉa hè hẹp, sử dụng với mật độ lớn. Vào 3 ngày cuối tuần thực hiện không gian đi bộ, tất cả xe máy không đỗ trên vỉa hè. Do đó, không có chỗ đỗ xe của người dân, chứ không nói du khách. Thêm nữa, lòng đường nhiều tuyến phố cũng chật hẹp. Chỉ cần một xe dừng đỗ sẽ gây ùn tắc.
Từ thực trạng này, đề xuất vào ngày cuối tuần, cần quy hoạch bãi đỗ xe cho người dân trong khu phố cổ. Bởi trong 3 tối cuối tuần, khi phương tiện được di chuyển ra khỏi phố cổ, đã xảy ra tình trạng kinh doanh buôn bán tự phát trên vỉa hè. Qua tham khảo ý kiến, người dân đồng tình nếu được thuê vỉa hè.
Những ngày không diễn ra không gian đi bộ, phường mong muốn được thực hiện theo phương án như Đề án nêu ra. Đó là với những tuyến vỉa hè rộng dưới 2m, có thể tham khảo cách bố trí để nửa xe máy trên, nửa xe dưới lòng đường thì vẫn có lối đi cho người đi bộ.
Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân:
Tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế vỉa hè
HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua tờ trình nghị quyết xây dựng “Vùng phát thải thấp” và thực hiện thí điểm ở một số khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình trong giai đoạn từ 2025-2030. Mục tiêu là tạo ra môi trường sống xanh - sạch - đẹp, cải thiện chất lượng không khí Thủ đô, nâng cao chất lượng sống của người dân. Trên cơ sở nghị quyết, UBND thành phố sẽ giao các địa phương lập đề án “Vùng phát thải thấp” phù hợp với đặc thù, năng lực của địa phương để trình thành phố phê duyệt, thực hiện. Đây là đề án rất quan trọng, kiến nghị UBND thành phố sớm phê duyệt. Nhân việc thực hiện sẽ làm đồng thời chỉnh trang lại đô thị, hè phố.
Về phạm vi thực hiện, không nhất thiết tuyến phố nào cũng để kinh doanh. Do đó, nên phân cấp cho UBND cấp quận quyết định nội dung này. Đề án phải chỉ rõ cơ chế thu phí vỉa hè. Người đóng tiền phải chịu trách nhiệm những gì và ai chịu trách nhiệm thu phí... để gắn trách nhiệm sử dụng vỉa hè với bảo đảm vệ sinh môi trường, không lấn chiếm quá phạm vi.
Triệu Hoa thực hiện
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.