Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý nợ công

Hương Thủy| 24/08/2022 06:49

(HNM) - Trong hai ngày 23 và 24-8, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tổ chức hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong cải cách quản lý nợ công và các thông lệ tốt trong quản lý nợ công.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay chính sách quản lý nợ công gắn với chính sách tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, chính sách quản lý nợ công mới chủ yếu tập trung vào huy động các nguồn vay ưu đãi, nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế chưa thực hiện đầy đủ như: Giám sát và đánh giá tất cả các khoản vay và giao dịch nợ để bảo đảm phù hợp với các thông số rủi ro đề ra trong chiến lược nợ; giám sát rủi ro toàn bộ danh mục nợ chính phủ, kết nối giữa chính sách quản lý ngân quỹ và quản lý nợ công, cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nợ công…

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế cho biết, thông lệ tốt của quốc tế là thành lập cơ quan chuyên trách về quản lý nợ. Các nước thành lập cơ quan quản lý nợ nhằm bảo đảm tính rõ ràng và minh bạch trong quản lý nợ công. Việc thành lập cơ quan quản lý nợ cũng góp phần nâng cao năng lực, hiệu suất và hiệu quả quản lý nợ công theo hướng chuyên môn, chuyên nghiệp, tăng cường sự tập trung, tránh những quyết định thiếu nhất quán, đồng thời linh hoạt hơn trong cơ chế tiền lương để giúp tuyển dụng và giữ chân cán bộ. Trọng tâm của quản lý nợ công là cơ cấu nợ và giá trị chịu rủi ro, chứ không phải quy mô nợ. Chính sách kinh tế vĩ mô và quản lý nợ có mục tiêu, công cụ khác nhau. Vì vậy, cần tách biệt vai trò và trách nhiệm của các bên nhưng đồng thời vẫn bảo đảm sự phối hợp. Việc tách biệt giữa quản lý nợ với chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ tạo điều kiện xác lập mục tiêu rõ ràng cho từng lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý nợ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.