Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm hay của Thạch Thất

Minh Ngọc| 26/07/2014 08:49

(HNM) - So với các địa phương vùng ngoại thành Hà Nội, trước đây huyện Thạch Thất còn nhiều hủ tục nặng nề trong việc cưới, việc tang, mừng thọ…; chưa kể ô nhiễm môi trường làng nghề ở mức báo động, rồi phong trào văn hóa quần chúng phát triển không đều giữa các làng, xã…


Vận dụng linh hoạt

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Thạch Thất đã ban hành Chương trình 12 trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Về cơ bản, Chương trình 12 của Huyện ủy Thạch Thất là sự cụ thể hóa các nội dung của Chương trình 04, nhưng có những quy định phù hợp với thực tiễn địa phương nên được người dân nhiệt tình hưởng ứng. Sau 3 năm thực hiện, nếp sống văn minh, thanh lịch trên địa bàn huyện từng bước hình thành. Tỷ lệ hộ gia đình đạt và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa tăng từ 82% năm 2011 lên 85% năm 2013; đời sống vật chất, tinh thần ở 131 làng văn hóa (bằng 67% tổng số làng) không ngừng được cải thiện; việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm dần trở thành ý thức tự giác của người dân. 6 tháng đầu năm 2014, Thạch Thất có hơn 80% số đám cưới, hơn 90% đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh. Trong việc tang, lễ cúng 10 ngày cho người quá cố vốn là hủ tục lạc hậu nặng nề, tốn kém ở các xã có đồng bào dân tộc Mường cư trú (Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân), nay đã được loại bỏ. Việc mừng thọ cho người cao tuổi là nét đẹp văn hóa truyền thống, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vẫn duy trì nhưng tổ chức gọn trong một ngày tại đình làng, nhà văn hóa. Xã Đại Đồng, Hữu Bằng và một số địa phương có thông lệ mừng thọ lớn, nay cũng đã nghiêm túc chấp hành các quy định của Chương trình 12, giảm sự rườm rà, tốn kém.

Huyện Thạch Thất đã đầu tư nguồn lực không nhỏ để cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, đẩy mạnh phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Ảnh: Thu Giang



Sở hữu nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng (mộc Chàng Sơn, Hữu Bằng, cơ kim khí Phùng Xá, mây tre đan Bình Phú…), Thạch Thất có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, song vấn đề môi trường làng nghề luôn là bài toán hóc búa của cơ quan quản lý địa bàn. Với phương châm làm sạch môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống, những ngày cuối tuần và kỳ nghỉ lễ, người dân các thôn, xóm bảo nhau dọn dẹp đường làng, ngõ xóm. Hơn thế, các xã, thị trấn duy trì hoạt động của đội thu gom rác thải, quy hoạch bãi tập kết rác nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều thôn đã thành lập đoạn đường hội phụ nữ tự quản, bảo đảm đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.

Đánh giá về Chương trình 12, ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho rằng: Chương trình đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nên khi triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận. Tuy vẫn còn hạn chế nhất định, nhưng rõ ràng là 3 năm trở lại đây, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chuẩn mực, giá trị văn hóa, đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục ở các làng xã được khôi phục, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân huyện Thạch Thất đẩy mạnh phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Đầu tư xứng tầm

Để có được kết quả nói trên, huyện Thạch Thất đã đầu tư nguồn lực không nhỏ để cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng cho nhân dân; đồng thời nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa. Với kinh phí hàng chục tỷ đồng từ ngân sách và xã hội hóa, Thạch Thất đã xây dựng, cải tạo hơn 30 nhà văn hóa xã, thôn. Một số địa phương có phong trào nghệ thuật truyền thống phát triển được đầu tư hàng chục triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, đạo cụ. Có địa điểm sinh hoạt, có "đất" biểu diễn, nghệ thuật hát chèo ở xã Canh Nậu, Đại Đồng; múa rối nước ở xã Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá; cồng chiêng của người Mường ở xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân được hồi sinh. "Chưa bao giờ việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của người Mường ở Tiến Xuân được quan tâm như hiện nay. Bà con vui lắm. Qua các lớp truyền dạy, nhiều thanh niên biết chơi cồng chiêng, tích cực tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tệ nạn xã hội nhờ đó mà giảm hẳn" - Ông Bùi Văn Tình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân khẳng định.

Đối với việc bình xét các danh hiệu văn hóa, trong khi một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích thì ở huyện Thạch Thất, quy trình bình xét ngày càng được thắt chặt. Chẳng hạn như xã Bình Yên đưa thêm tiêu chí giữ gìn vệ sinh môi trường; xã Phùng Xá đưa tiêu chí thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh làm căn cứ bình xét gia đình văn hóa. 100% các xã, thị trấn tổ chức biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu vào ngày "Đại đoàn kết toàn dân 18-11", Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hằng năm… Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa, ông Nguyễn Việt Quân, Trưởng thôn 2, xã Phùng Xá nói: "Trong mọi phong trào, việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các hội, đoàn thể ở cơ sở luôn đóng vai trò quyết định. Khi cán bộ các hội, đoàn thể nhiệt tình, sôi nổi tham gia thì các phong trào sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ".

Với phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trên địa bàn Thủ đô, cách làm của huyện Thạch Thất có lẽ là bài học kinh nghiệm có thể được xem xét rộng rãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm hay của Thạch Thất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.