(HNM) - Theo tổng hợp của HĐND thành phố Hà Nội, các kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách luôn chiếm hơn 50% tổng số các ý kiến gửi đến cơ quan dân cử các cấp của thành phố. Tại các quận: Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai… đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, kiến nghị của cử tri chủ yếu liên quan đến những dự án chậm triển khai, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Do đó, việc tổng hợp, theo dõi, đôn đốc trả lời các kiến nghị cần có kỹ năng - điều mà các đại biểu HĐND đặc biệt lưu ý.
Theo bà Hồ Vân Nga, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội, trước các kiến nghị về lĩnh vực kinh tế - ngân sách, đại biểu HĐND các cấp cần nắm rõ 4 yếu tố cơ bản để giải quyết vấn đề. Đó là xác định cơ sở pháp lý; tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị; phương pháp theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết; điều kiện bảo đảm để theo dõi, đôn đốc có kết quả. Trong đó, yếu tố thứ 4 được xem là quyết định, cần có quy định rõ về quy trình, trách nhiệm giải quyết trên thực tế, chứ không chỉ đơn thuần là đại biểu HĐND tổng hợp văn bản trả lời cử tri hoặc kính chuyển cơ quan chức năng là xong.
Trên thực tế, nguyên nhân của việc nhiều kiến nghị của cử tri về kinh tế - ngân sách do chính sách liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn thiếu đồng bộ; việc tuyên truyền để nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận còn hạn chế. Vì thế, để giải quyết dứt điểm, đại biểu cần làm tốt việc tổng hợp, đôn đốc, theo dõi, giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri từ phía các cơ quan hữu quan.
Để tổng hợp theo từng lĩnh vực, xác định rõ thẩm quyền giải quyết thuộc cấp, ngành nào, từ đó chuyển ý kiến, kiến nghị tới đúng địa chỉ, đòi hỏi bộ phận tham mưu phục vụ công tác này của văn phòng HĐND các cấp phải có kiến thức về pháp luật. Ngay từ khâu thu thập ý kiến, thư ký hội nghị tiếp xúc cử tri cần ghi chép trung thực, đầy đủ, khách quan. Cử tri trình bày chưa rõ thì cần đề nghị diễn đạt rõ hơn, để việc phân loại ý kiến từ đầu luôn chính xác. Có như vậy, việc trả lời các kiến nghị mới đạt hiệu quả cao, góp phần giảm tình trạng khiếu kiện vượt cấp…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.