Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh nghiệm để phòng chống cháy nổ gas tại gia đình

Theo TTXVN/Tin Tức| 15/03/2018 09:39

Nhu cầu sử dụng gas trong sinh hoạt và sản xuất ngày càng nhiều nên tình hình cháy, nổ liên quan đến gas có cũng chiều hướng gia tăng.


Theo Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân gây ra các vụ cháy gas tại gia đình, hộ kinh doanh trước tiên là do một số người sử dụng gas chủ quan, thiếu kiến thức trong công tác phòng cháy chữa cháy hoặc do hám lợi khi sang chiết gas trái phép. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khách quan như: Sự cố do bình gas không an toàn, bếp gas không an toàn, rò rỉ gas do van không kín hoặc ống dẫn gas bị thủng…

Các vụ cháy gas xảy ra có nhiệt độ ngọn lửa rất cao, khoảng 1.000 độ C và dễ gây bỏng cho người, gia súc xung quanh. Ảnh: Mạnh Linh


Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh gần đây đã xảy ra một số vụ cháy có liên quan đến bình gas, gây thiệt hại về người và tài sản. Chẳng hạn như ngày 7-1 đã xảy ra vụ cháy tại tầng 7, chung cư Fideco Riverview (phường Thảo Điền, quận 2). Nguyên nhân gây cháy là do người dân chủ quan đã quên tắt bếp gas khi nấu ăn. Xa hơn vào ngày 14-4-2017 đã xảy ra vụ cháy tại phòng trọ ở phường Tân Hưng (quận 7) khiến 1 người chết mà nguyên nhân gây cháy là do nổ bình gas mi ni.

Theo Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh, đa số các hộ gia đình, quán ăn, nhà hàng, trường học bán trú… tại TP Hồ Chí Minh đều sử dụng gas để nấu nướng hàng ngày. Tuy nhiên, kiến thức an toàn về PCCC và kỹ năng xử lý sự cố khi sử dụng gas của nhiều người vẫn còn hạn chế, thậm chí sai lầm.

Để phòng chống cháy nổ gas trong các gia đình, doanh nghiệp, trường học... Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cũng đã khuyến cáo đến chủ các hộ gia đình, doanh nghiệp và cán bộ công nhân viên các nhà hàng, cửa hàng, trường học… có sử dụng gas để đun nấu cần nêu cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC.

Theo đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn để phòng chống cháy nổ về gas như sau:

- Khi mua bình gas, bếp gas và các phụ kiện nên chọn chính hãng, có các thiết bị an toàn như rơle an toàn khi tắt lửa, rơle an toàn khi quá tải.

- Bếp gas đặt trên nền vật liệu không cháy, cách tường 15cm, phía bên trên bếp không để các vật sắc, nhọn. Lắp đặt thêm đầu báo rò rỉ gas để phát hiện và xử lý sự cố rò rỉ gas sớm nhất. Không dán số điện thoại kêu gas trên bình gas để đề phòng sử dụng điện thoại cạnh bình gas, không che chắn bếp bằng vật liệu dễ cháy.

- Vị trí đặt bếp gas phải tránh gió lùa trực tiếp dễ gây tắt lửa khi đang đun nấu. Đặt bếp cao hơn bình gas, không để ống dẫn gas chạm vào bề mặt nóng của bếp; bình gas đặt cố định tại vị trí dễ thao tác, thông thoáng, đặt bình thẳng đứng, không tồn trữ nhiều bình gas trong nhà hay tại tầng hầm; không bố trí bàn thờ, bếp than, bếp củi, cầu dao điện… gần với khu vực đặt bếp, bình gas; không để các chất dễ cháy như cồn, xăng dầu, sơn… trong tủ, hộc bếp.

- Trước khi sử dụng bếp phải kiểm tra các bộ phận chia lửa đảm bảo ăn khớp đúng vị trí. Khi thao tác đánh lửa bếp nhiều lần mà không thành công phải để hơi gas trên bếp khuếch tán hết mới tiếp tục thao tác, đề phòng ngọn lửa bùng cháy lớn gây nguy hiểm.

- Khi vào bếp, phải ngửi xem có mùi gas rò rỉ hay không trước khi bật, tắt các thiệt bị điện; nếu có rò rỉ gas thì tuyệt đối không điều khiển điện, nhẹ nhàng mở các cửa cho thông gió, khóa bình gas, ra xa khu vực rò rỉ gas, điện thoại cho cửa hàng cung cấp hoặc điện thoại cho lực lượng Cảnh sát PCCC đến xử lý gấp.

- Khi xảy ra cháy, nổ gas cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số máy 114, đồng thời tổ chức chữa cháy và cứu nạn kịp thời, có hiệu quả tại chỗ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm để phòng chống cháy nổ gas tại gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.