(HNM) - Mặc dù đến ngày 5-3 mới kết thúc khung thời vụ nhưng đến thời điểm này có thể khẳng định: Hà Nội bảo đảm hoàn thành gieo cấy lúa xuân năm 2020 đúng kế hoạch. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh ngành Nông nghiệp Thủ đô gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn nước. Để đạt được kết quả trên, toàn ngành Nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương đã chủ động, quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành sản xuất.
Bảo đảm thời vụ
Những ngày này, trên khắp các xứ đồng của huyện Phúc Thọ đã thưa bóng người và máy móc sản xuất, phủ kín màu xanh của lúa xuân đang trong kỳ bén rễ... Dừng tay che ni lông ngăn chuột vào ruộng phá hoại lúa, bà Nguyễn Thị Ngát, nông dân xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) nói: “Thực hiện khuyến cáo của xã và huyện, năm nay, gia đình tôi quyết định cấy toàn bộ diện tích trong trà xuân muộn. Do mạ sinh trưởng tốt, ruộng đủ nước, thời tiết ấm… nên đã cấy xong 5 sào lúa xuân từ ngày 27-2...”. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Doãn Văn Hà cho biết, tính đến ngày 29-2, toàn huyện đã gieo cấy được 3.190ha, đạt 100% kế hoạch sản xuất vụ xuân. Đây là năm đầu tiên, tiến độ gieo cấy vụ xuân của huyện Phúc Thọ hoàn thành trước thời vụ tới 6 ngày…
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, tính đến sáng 29-2, nông dân 23 quận, huyện, thị xã của thành phố đã gieo cấy được hơn 98% diện tích; trong đó, các huyện có diện tích sản xuất vụ xuân lớn như: Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên... đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy. Dự kiến đến ngày 5-3, Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa vụ xuân bảo đảm theo đúng kế hoạch…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ đánh giá, điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất vụ xuân năm nay là chủ động, quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt hơn. Cụ thể, các quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị đầy đủ cơ cấu giống, vật tư, phân bón và các biện pháp, kỹ thuật thâm canh lúa xuân. Cùng với đó là tập trung hướng dẫn bà con nông dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, huy động mọi lực lượng, phương tiện máy móc làm đất đổ ải, tập trung gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ… Đặc biệt, nông dân các quận, huyện, thị xã đã nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội về thời vụ gieo mạ, xuống đồng làm đất, cấy lúa…
Chủ động hơn về nguồn nước
Đóng góp vào thành công trên có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp thủy lợi. Các đơn vị này đã dự báo trước những khó khăn, chủ động xây dựng phương án điều tiết nguồn nước để bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất. Đơn cử, Trạm bơm Phù Sa (thuộc Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích) là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng đối với ngành Nông nghiệp Hà Nội trong công tác chống hạn vụ xuân. Nhờ sớm chủ động ứng phó với mực nước sông Hồng hạ thấp nên đơn vị vận hành trạm bơm đã hoàn thành nhiệm vụ cấp đủ nước cho 6.210ha sản xuất nông nghiệp của các huyện, thị xã: Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai.
Nói về kinh nghiệm ứng phó mực nước sông Hồng hạ thấp, cung cấp đủ nước cho vụ xuân, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Sơn Tây kiêm Đội trưởng Đội Quản lý công trình đầu mối Phù Sa (Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích) Phùng Văn Chung cho rằng, điều quan trọng nhất là phải dự báo được nguồn nước và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để ứng phó…
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, những năm gần đây, mực nước sông Hồng, đoạn chảy qua thành phố Hà Nội, liên tục bị hạ thấp, nhất là vào mùa khô. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội và sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp thủy lợi nên chưa năm nào Hà Nội xảy ra tình trạng lúa chết vì thiếu nước…
Trước diễn biến khí tượng, thủy văn ngày càng phức tạp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn lưu ý, thời gian tới, để bảo đảm đủ nước phục vụ nhu cầu tưới dưỡng cho lúa xuân và phòng, chống hạn đầu vụ mùa năm 2020, các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi của thành phố cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước và tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất vụ xuân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện giải pháp giữ nước, chống thất thoát nước đối với những diện tích đã làm đất, gieo cấy; chủ động trữ nước vào khu trũng, hệ thống kênh mương…
Đánh giá cao sự chủ động, tích cực trong công tác chống hạn vụ xuân 2020 của ngành Nông nghiệp và các địa phương thuộc Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp giao Tổng cục Thủy lợi đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới công trình thay thế Trạm bơm Phù Sa; đồng thời, đề nghị thành phố Hà Nội bố trí kinh phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các trạm bơm: Ấp Bắc, Thanh Điềm, cụm công trình đầu mối Liên Mạc… Về lâu dài, thành phố Hà Nội cần kiên quyết hơn nữa trong việc chuyển đổi 3.605ha có nguy cơ thiếu nước, hạn hán, nhất là tại các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Phúc Thọ, Quốc Oai…
Kinh nghiệm thực tế mà Hà Nội có được từ việc quyết liệt, linh hoạt trong điều hành sản xuất và chủ động ứng phó với mực nước thấp, giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết của các hồ thủy điện trong vụ xuân năm nay sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để bảo đảm cho những mùa vàng bội thu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.