Khi bị bệnh, chúng ta thường uống thuốc theo đơn điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người có những thói quen uống thuốc không đúng không phát huy được hiệu quả của thuốc, thậm chí gây hại cho sức khỏe.
Bỏ vỏ thuốc con nhộng
Một số thuốc được bào chế dưới dạng viên con nhộng hay còn gọi là viên bao phim. Để uống dễ dàng bạn bóc vỏ con nhộng để lấy bột thuốc bên trong hòa tan, điều này có thể làm dạ dày phân hủy thuốc và làm mất tác dụng của thuốc. Do vậy, khi uống thuốc dạng con nhộng, bạnkhông nên bóc lớp vỏ ra để lấy thuốc bên trong.
Bẻ nhỏ thuốc khi uống
Nhiều loại thuốc chỉ phát huy được tác dụng tối đa và an toàn cho người dùng nếu được uống nguyên cả viên. Tuy nhiên, một số người chúng ta thấy viên thuốc quá to thì bẻ đôi hoặc hòa tan trong nước cho dễ uống. Việc làm này có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Một số loại thuốc cần phải tự hòa tan trong dung dịch dạ dày, giúp nồng độ thuốc trong cơ thể được ổn định để mang lại hiệu quả điều trị.
Khi bẻ đôi viên thuốc khi uống sẽ thúc đẩy quá trình hòa tan của thuốc, khiến nồng độ thuốc trong máu trong một thời gian ngắn tăng lên quá nhanh, dễ gây ra nguy hiểm; thậm chí rút ngắn thời gian thuốc có tác dụng, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thuốc. Để biết thuốc có thể tách đôi hay không bạn hãy đọc hướng dẫn sử dụng.
Uống thuốc cũng phải đúng cách.
Uống khi thuốc chưa tan
Các thuốc được bào chế dưới dạng viên nén sủi bọt có ưu điểm hấp thu nhanh, tác dụng mạnh. Khi dùng cần cho thuốc hòa tan hoàn toàn trong nước rồi mới uống. Tuy nhiên, nếu bạn không chú ý điều này, dùng thuốc khi thuốc chưa kịp tan hếtthì sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của bạn. Hậu quả là thuốc có thể sẽ không được tan hết hoặc dạ dày sẽ bị trướng căng lên do hơi CO2.
Thuốc nhai nhưng lại uống
Có những loại thuốc cần phải nhai mới có tác dụng. Để có tác dụng tốt bạn cần phải nhai kỹ, nhai nát viên thuốc trong miệng rồi mới được uống. Thuốc cần phải tác dụng ngay ở trong dạ dày, nếu chưa nhai kỹ đã trôi xuống dạ dày thì coi như thuốc không có tác dụng.
Dùng sữa, nước hoa quả để uống thuốc
Khi cho trẻ uống thuốc, các bậc phụ huynh thường dùng sữa, nước hoa quả để giảm bớt vị đắng của thuốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mặc dù nước hoa quả, sữa đều là nước, nhưng đều có thể gây phản ứng phụ với thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị. Nghiên cứu cho thấy gần 50 loại thuốc có phản ứng phụ với nước hoa quả.
Uống thuốc cùng bữa ăn
Một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định uống trước bữa ăn, nhiều người cho rằng đó là trước bữa ăn chính. Nhưng thực chất, uống thuốc khi dạ dày có thức ăn được coi là sau bữa ăn.
Theo quan niệm của thầy thuốc, uống thuốc trước bữa ăn hoặc lúc bụng rỗng là vì thức ăn trong dạ dày có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ một số loại thuốc. Thông thường, uống thuốc “trước bữa ăn” là uống trước khi ăn 30 phút đến 1 tiếng.
Uống thuốc “sau bữa ăn” là vì một số loại thuốc có khả năng gây kích thích hệ thống tiêu hoá và thức ăn sẽ giúp giảm khả năng này, hoặc thành phần chất béo có trong thức ăn có thể đẩy nhanh quá trình hấp thụ thuốc.
Tách rời sự tương tác của các loại thuốc
Thực tế có những thuốc cần phải dùng cách nhau một thời gian để tránh sự tương tác thuốc nhưng có những thuốc cần phải uống cùng nhau mới có hiệu quả. Vì vậy, người bệnh hãy tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để có được tác dụng tốt nhất khi dùng thuốc.
Không kiêng trong ăn uống
Theo nghiên cứu cho thấy, khi bổ sung sắt, bạn nên ăn ít dầu mỡ, không ăn các thực phẩm chiên rán, bánh ngọt…bởi chất béo có trong các thực phẩm đó làm hạn chế khả năng tiết dịch vị của dạ dày, giảm khả năng hấp thụ sắt.Khi uống thuốc giảm huyết áp, thuốc trợ tim, cấm kỵ dùng các thực phẩm có hàm lượng muối cao.Khi dùng các thuốc hỗ trợ tiêu hoá, bảo vệ dạ dày, không nên ăn nhiều đồ ngọt.
Khi uống thuốc, thông thường không được uống rượu, bởi rượu có thể làm trương mạch máu, có tác dụng gần giống thuốc hạ huyết áp, trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến tử vong.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.