Sức khỏe

Tự ý bỏ uống thuốc điều trị nguy hại ra sao?

Bảo Ngọc 15/02/2025 09:35

Đối với các bệnh mạn tính, việc sử dụng thuốc điều trị thường kéo dài thậm chí suốt đời, do đó, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo liệu trình điều trị được bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, nhiều người không ý thức được việc tự ý bỏ uống thuốc sẽ khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

bo-thuoc.jpg
Việc tự ý bỏ uống thuốc điều trị sẽ khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng.

Nguy cơ tử vong do tự ý bỏ uống thuốc

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân L.V.T (51 tuổi, Hải Phòng) nhập viện với tình trạng vàng da nặng và suy gan cấp. Theo khai thác bệnh sử, ông T được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính cách đây hai năm và được chỉ định dùng thuốc kháng virus để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân đã không tuân thủ điều trị, uống thuốc không đều đặn, đặc biệt là đã tự ý dừng thuốc hơn một tháng trước khi nhập viện.

Sau khoảng hai tuần ngừng thuốc, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, sợ dầu mỡ nhưng chủ quan không đi khám. Đến tuần thứ ba, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng vàng da rõ rệt, nước tiểu sậm màu, phân bạc màu và bụng chướng lên do cổ trướng. Trong tuần thứ tư, bệnh nhân phù toàn thân, xuất huyết dưới da, nhận thức chậm dần và phản ứng kém. Bệnh nhân đã được lọc máu và lọc huyết tương hai lần tại cơ sở y tế trước đó, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc suy gan cấp, xơ gan, viêm gan B mạn tính, hôn mê gan độ 2 và có nguy cơ tiến triển nhanh lên độ 3 - 4 nếu không kiểm soát kịp thời, rối loạn đông máu, xuất huyết dưới da nghiêm trọng. Bệnh nhân còn có dấu hiệu suy thận do hội chứng gan - thận với chỉ số creatinine tăng hơn 50% so với bình thường và lượng nước tiểu giảm mạnh.

BSCKII Đới Ngọc Anh, khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan. Nhiều bệnh nhân cho rằng khi dùng thuốc kháng virus, họ sẽ không có nguy cơ mắc ung thư gan, nhưng thực tế, ngay cả khi điều trị, nguy cơ này vẫn tồn tại. Đặc biệt, khi ngừng thuốc, virus có thể bùng phát nhanh chóng, thúc đẩy quá trình xơ gan và ung thư gan tiến triển nhanh hơn. Trong trường hợp này, nếu không đáp ứng điều trị nội khoa, bệnh nhân có thể cần ghép gan để duy trì sự sống.

Bỏ liệu trình “tây y” để dùng thuốc “đông y gia truyền”

Nhiều bệnh viện cũng đã tiếp nhận các trường hợp nhập viện trong tình trạng xấu do bỏ liệu trình thuốc tây y, tự tìm đến các loại thuốc đông y, sử dụng các bài chữa bệnh “truyền miệng” thiếu căn cứ khoa học. Hiện nay, có nhiều loại thuốc đông y gia truyền được rao bán tràn lan trên mạng, trong đó nhiều loại thuốc “nhiều không” - không giấy phép, không kiểm định chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ... Vì vậy, người bệnh cần kiên trì, tin tưởng điều trị theo phác đồ của các bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc, tránh bỏ lỡ “thời điểm vàng” điều trị bệnh hiệu quả. Ngay cả việc sử dụng tùy tiện kết hợp thuốc đông y và tây y, không theo chỉ định của bác sĩ cũng dễ gặp phải tương tác thuốc, dễ khiến bệnh nặng hơn.

Một số các bệnh lý mạn tính khác như tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp... việc bỏ dở liệu trình dùng thuốc cũng rất nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân. Đối với các bệnh lây nhiễm như lao phổi, viêm gan do virus B hoặc C..., nếu người bệnh không tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị thì không thể chữa được dứt điểm hoặc khống chế bệnh hiệu quả. Việc điều trị dở dang khiến bệnh nhanh tái phát với nguy cơ kháng thuốc cao, lúc đó, việc điều trị tiếp tục càng thêm nan giải.

Lý do dẫn đến tình trạng bỏ thuốc ở một số bệnh nhân thường là bởi trong quá trình điều trị, người bệnh thường phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau theo phác độ điều trị của bác sĩ. Do phải dùng nhiều thuốc, thời gian dùng thuốc kéo dài suốt đời khiến họ buông xuôi, bỏ điều trị, nhất là khi cảm thấy người đã khỏe. Nhiều người bệnh bỏ dở điều trị lại vì ngại dùng nhiều thuốc tây thời gian dài gây tác dụng phụ “tổn hại” đến sức khỏe, một số người bận rộn công việc khiến việc uống thuốc hằng ngày “bữa đực bữa cái” không đều đặn liên tục, và một lý do khác là chi phí điều trị tốn kém. Thậm chí, trong đợt Tết vừa qua, không ít trường hợp bệnh nhân tự ý ngưng uống để... ăn Tết, bỏ dùng thuốc để có thể uống bia, rượu thoải mái hơn...

Theo các chuyên gia y tế, trong điều trị nội khoa các bệnh lý mạn tính, việc uống thuốc theo chỉ định của bệnh viện để hạn chế bệnh tái phát là rất quan trọng. Ngoài việc sử dụng thuốc theo liệu trình, bệnh nhân còn phải tái khám định kỳ chứ không chỉ tự cảm thấy cơ thể khỏe hơn là ngưng dùng thuốc. Để hạn chế tình trạng bỏ dở điều trị ở người bệnh cần sự phối hợp từ nhiều phía. Trước hết, người bệnh phải lạc quan, có ý thức tuân thủ điều trị. Bệnh nhân cũng rất cần sự hỗ trợ của gia đình, bác sĩ và nhân viên y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự ý bỏ uống thuốc điều trị nguy hại ra sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.