Sức khỏe

Tùy tiện bổ sung vitamin A: Nguy hại khôn lường!

Thu Trang 07/06/2024 - 06:53

Vì vitamin A là vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể nên không ít bà mẹ đã tùy tiện cho trẻ uống bổ sung vitamin A mà không có hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng.

Việc này có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe của trẻ.

vitamin-a.jpg
Cho trẻ uống vitamin A trong chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng” năm 2024 tại điểm uống Nhà văn hóa Đại Áng (huyện Thanh Trì).

Thiếu, thừa đều nguy hiểm

Có con trai không thuộc diện được uống vitamin A miễn phí trong chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng” nên chị Lê Lệ Hằng (30 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội) đã lên mạng xã hội Facebook và sàn thương mại điện tử Shopee tìm mua về bổ sung cho con. Chị Hằng cho biết: “Vitamin A liều cao 200.000 IU viên đỏ được rao bán rất nhiều trên mạng internet với mức giá từ 12 nghìn đồng đến 20 nghìn đồng/viên và còn được quảng cáo với đủ nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ, Đức, Australia… Do mỗi người bán hàng tư vấn việc sử dụng khác nhau, nên tôi đang phân vân liều dùng cho con uống”.

Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trần Thanh Dương, vitamin A cần thiết cho chức năng nhìn, phát triển cơ thể, bảo vệ toàn vẹn của biểu mô và sự phân bào, miễn dịch. Khi bị thiếu vitamin A, trẻ bị chậm phát triển về thể chất hơn so với những trẻ bình thường cùng lứa tuổi.

Mặt khác, khi thiếu Vitamin A, các tế bào biểu mô sẽ bị sừng hóa, các nhung mao bị thưa và mất đi. Vì vậy, trẻ kém hấp thu chất dinh dưỡng trong ruột và rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thậm chí, thiếu vitamin A làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em.

Dù vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, nhất là trẻ em, nhưng vi chất này không phải là thần dược để có thể sử dụng một cách tùy tiện.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vitamin được chia làm 2 nhóm: Vitamin tan trong nước và vitamin tan trong dầu. Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu nên khi dư thừa sẽ được tích lũy trong cơ thể, không thể đào thải, gây ra những hệ lụy cho sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, khi sử dụng vitamin A tùy tiện, dùng với liều cao một lúc hoặc dùng kéo dài có thể xuất hiện ngộ độc.

Cụ thể, ở trẻ nhỏ, nếu ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: Thóp phồng, nôn mửa, tăng áp lực nội sọ; hoặc ngộ độc mạn tính sẽ có biểu hiện: Đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, da khô, chậm tăng cân, kém ăn, tăng chảy máu, đau xương…

Bác sĩ Đoàn Hồng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết thêm, thiếu vitamin và khoáng chất thì không tốt cho sức khỏe nhưng nếu thừa thì nguy hiểm không kém. Riêng với trẻ từ 3 tuổi trở lên, ngành Y tế khuyến cáo không nên tự ý bổ sung vitamin A liều cao.

“Không chỉ với trẻ em mà ngay cả với các bà mẹ đang mang thai, việc uống vitamin A cũng được khuyến cáo là rất thận trọng và tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Đoàn Hồng lưu ý.

Vitamin không thay thế được thực phẩm

Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ trong 2 đợt vào tháng 6 và tháng 12. Theo đó, bổ sung vitamin A cho trẻ 6-59 tháng tuổi tại 31 tỉnh, thành phố có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao và bổ sung vitamin A cho trẻ 6-35 tháng tuổi tại 32 tỉnh, thành phố còn lại. Gần đây nhất, vào đầu tháng 6-2024, Hà Nội đã triển khai cho gần 382 nghìn trẻ 6-35 tháng tuổi uống vitamin A trong chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng”.

Các chuyên gia y tế cho rằng, nhóm trẻ lớn có nguy cơ thiếu vitamin A thường là trẻ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có chế độ ăn uống không đa dạng, thiếu ăn, suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài… Do đó, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung vitamin A thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn. Người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày của trẻ; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế. Để biết chắc chắn cơ thể có cần bổ sung vitamin A liều cao hay không, trẻ cần được khám bởi bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn bổ sung phù hợp với lứa tuổi, thể trạng. Tuyệt đối không tự ý mua, cho trẻ sử dụng các sản phẩm vitamin A bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Để bổ sung vitamin A đúng cách, theo khuyến cáo của WHO, trẻ từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi: Uống 1 viên hàm lượng 100.000 IU/lần, liều duy nhất, uống 4-6 tháng/lần. Trẻ từ 12 tháng đến 59 tháng tuổi: Uống 1 viên hàm lượng 200.000 IU/lần, uống 4-6 tháng/lần. Nếu trẻ đã được uống vitamin A theo chiến dịch “Ngày vi chất dinh dưỡng” trong vòng 1 tháng trước đó thì không cho trẻ uống thêm vitamin A liều cao. Nếu trẻ đã được uống vitamin A theo chiến dịch trên 1 tháng trước đó thì có thể uống thêm 1 liều dự phòng theo đúng hướng dẫn.

Đặc biệt, vitamin A chống chỉ định cho trẻ đang đau bụng, sốt cao trên 38,5 độ; trẻ đang bị bệnh mạn tính: Tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản hoặc có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tùy tiện bổ sung vitamin A: Nguy hại khôn lường!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.