Một số loại thuốc điều trị các bệnh mạn tính cho đến các bệnh thông thường sẽ được bác sĩ chỉ định uống vào một khoảng thời gian cố định trong ngày hoặc uống trước hay sau bữa ăn...
Tuy nhiên, với người có tính hay quên hoặc người cao tuổi trí nhớ suy giảm, việc uống thuốc theo giờ cũng rất khó khăn.
Dán nhãn chỉ dẫn vào từng vỉ thuốc
Với những đơn kê nhiều loại thuốc, giờ uống khác nhau chắc hẳn sẽ khiến nhiều người “loạn” mắt khi soi đơn. Do đó, bệnh nhân nên dán ghi chú vào từng vỉ thuốc: Mỗi ngày uống bao nhiêu viên, trước hay sau bữa ăn, giờ uống thuốc... Có thể in cỡ chữ to, dán theo màu sắc riêng biệt ở từng hộp thuốc để dễ nhìn, dễ nhớ hơn.
Người bệnh cũng có thể mua các hộp nhựa chia thuốc theo ngày, theo buổi để tiện sử dụng, nhất là khi đi đâu xa.
Chuẩn bị tủ thuốc gia đình ở nơi dễ nhìn thấy
Mỗi gia đình nên chuẩn bị một tủ thuốc để ở nơi dễ nhìn thấy nhất trong nhà nhưng tránh xa tầm với của trẻ em. Bên cạnh đó, để bảo quản thuốc đúng cách, một số thuốc cần được bảo quản trong tủ lạnh, trong khi những loại khác cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Khi đi du lịch, bệnh nhân cũng nên chuẩn bị một túi nhỏ đựng các loại thuốc điều trị riêng biệt.
Đặt báo thức ở điện thoại, nhờ người thân nhắc nhở giờ uống thuốc cố định
Để ghi nhớ giờ uống thuốc, bệnh nhân nên gắn liền thời điểm sử dụng thuốc với các hoạt động thường ngày như khi ngủ dậy, bữa ăn, đi ngủ. Bệnh nhân có thể ghi nhớ giờ uống thuốc bằng cách lưu báo thức điện thoại, nhờ người nhà để ý nhắc nhở...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.