Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh doanh xuất khẩu gạo: Chất lượng là yếu tố quyết định

Ngọc Quỳnh| 17/09/2018 06:50

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản...

Cần tăng cường hậu kiểm để tránh tình trạng doanh nghiệp trục lợi, không tuân thủ những quy định, xuất khẩu các loại gạo kém chất lượng.


Cơ hội nâng cao giá trị

Bộ NN&PTNT cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu 8 tháng năm 2018 của cả nước ước đạt 4,4 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,2 tỷ USD, tăng 6,8% về khối lượng và 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) dự báo, xuất khẩu gạo sẽ sôi động hơn từ quý IV năm nay với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và chủng loại đa dạng hơn nhờ Chính phủ vừa ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1-10-2018.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trần Văn Công cho rằng, Nghị định 107/2018/NĐ-CP ra đời thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã bãi bỏ các quy định "khi thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa tối thiểu 5.000 tấn; cơ sở xay xát tối thiểu 10 tấn thóc/giờ".

Nghị định cũng đơn giản hóa thủ tục hải quan cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng... Khi xuất khẩu các loại gạo này, không cần có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông, chỉ có trách nhiệm báo cáo theo quy định với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về công tác hậu kiểm trên cơ sở khai báo của doanh nghiệp.

“Trước đây, cả nước chỉ có 150 doanh nghiệp đủ điều kiện mới được tham gia vào lĩnh vực xuất khẩu gạo. Vì vậy, chính sách thông thoáng này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các loại gạo sang các nước như: Trung Quốc, châu Âu, châu Phi, Iraq, Cuba, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất”, ông Trần Văn Công thông tin.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, theo ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân (tỉnh Nam Định), mặc dù phải cần thời gian nhất định mới có thể kiểm chứng được tính khả thi, hiệu quả của nghị định mới, nhưng trước mắt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xuất khẩu gạo trực tiếp; các thủ tục hành chính cũng được giảm thiểu, doanh nghiệp sẽ không tốn chi phí đi lại. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu và hạt gạo Việt Nam vươn xa hơn, nâng cao giá trị...

Cần bảo đảm cho lúa, gạo đạt tiêu chuẩn

Ông Lê Minh Trượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Nam nhận định, để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của nước nhập khẩu và tăng sản lượng xuất khẩu gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng chất lượng cao, giảm dần tỷ trọng gạo cấp thấp, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nâng cao chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, tuy những quy định mới trong Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã thông thoáng hơn rất nhiều so với Nghị định 109/2010/NĐ-CP, nhưng các doanh nghiệp cần liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động nguồn hàng... Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần tăng cường quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm cho lúa, gạo đạt tiêu chuẩn; đồng thời, cung cấp thông tin về rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu để doanh nghiệp chủ động ứng phó hoặc thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh...

Theo dự đoán thị trường gạo thế giới năm 2018 có nhiều thuận lợi do nhu cầu nhập khẩu tăng, sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt 6,5 tỷ USD. Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trần Văn Công khuyến cáo: "Các doanh nghiệp không chỉ tập trung công nghệ, xây dựng thương hiệu mà cần nâng cao chất lượng gạo bằng việc liên kết với nông dân để hình thành cánh đồng mẫu lớn nhằm kiểm soát sản phẩm từ "đầu vào" tới "đầu ra".

Mặc dù đã có những "nới lỏng", Nghị định 107/2018/NĐ-CP cũng quy định rõ, thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo không được cho thuê, cho thuê lại kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo (đã được kê khai để chứng minh đáp ứng điều kiện kinh doanh trong đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận)...

Do đó, các cơ quan nhà nước cần tăng cường hậu kiểm để tránh tình trạng doanh nghiệp trục lợi, không tuân thủ những quy định, sản xuất các loại gạo kém chất lượng, ảnh hưởng tới uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh xuất khẩu gạo: Chất lượng là yếu tố quyết định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.