(HNM) - Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội” được triển khai nhằm hướng tới “mục tiêu kép” là bảo đảm an toàn thực phẩm và văn minh thương mại, trật tự đô thị. Phát huy kết quả đạt được, thành phố đang phấn đấu có 100% cửa hàng kinh doanh trái cây đủ điều kiện an toàn, tiến tới xóa bỏ các điểm kinh doanh vi phạm trật tự đô thị giai đoạn 2022-2025.
809 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”, từ cuối năm 2017 đến nay, 12 quận đã cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” cho 809 cửa hàng đáp ứng tiêu chí của đề án; đồng thời triển khai 40 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, 100% người kinh doanh được khám sức khỏe định kỳ; có thiết bị bảo quản trái cây; nguồn gốc trái cây được giám sát…
Là một trong các quận sớm triển khai đề án, đến nay quận Hà Đông có 70 cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện, 5 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, cùng với việc hỗ trợ các cửa hàng đáp ứng điều kiện kinh doanh trái cây an toàn, lực lượng chức năng của quận cũng tăng cường kiểm tra, xử lý trường hợp lấn chiếm hè, đường để kinh doanh. Chị Trịnh Thị Uyên, cửa hàng Thủy Anh Fruits, phường Văn Khê cho biết, cơ sở được cấp biển nhận diện “Cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn” ngay từ đợt đầu nhờ đáp ứng đủ các điều kiện. Hiện cửa hàng kinh doanh khá hiệu quả nhờ được người tiêu dùng tin tưởng thông qua biển nhận diện.
Trong khi đó, quận Thanh Xuân cũng có 106 cơ sở kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân Phạm Thị Lan Phương, quận đã “phủ sóng” các cửa hàng trái cây an toàn tại 11 tuyến phố. Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Quỳnh Trang, phố Khương Đình chia sẻ: "Từ ngày quận Thanh Xuân triển khai cấp biển nhận diện cho cửa hàng trái cây an toàn, tôi đã thay đổi thói quen không mua trái cây bán rong vì khó kiểm soát được chất lượng".
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định: “Việc xây dựng tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè kết hợp cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn đạt “mục tiêu kép” vừa bảo đảm an toàn thực phẩm, vừa tạo thói quen kinh doanh đúng pháp luật cho người bán hàng để bảo đảm văn minh thương mại, trật tự đô thị. Đặc biệt, tại khu vực nội thành toàn bộ 809/809 cửa hàng đã được cấp biển nhận diện, trong khi trước thời điểm triển khai đề án, tỷ lệ cửa hàng đạt tiêu chuẩn là 30%”.
Tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm
Tuy đã đạt những kết quả bước đầu, song thực tế tình trạng bán trái cây tại vỉa hè, lòng đường còn tồn tại ở nhiều nơi. Trong đó phải kể đến một bộ phận người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua trái cây tại chợ "cóc", hàng rong. Mặt khác, việc vận động các điểm kinh doanh trái cây tại chợ dân sinh hoặc hộ kinh doanh trong các ngõ, phố hoàn thiện điều kiện cấp biển nhận diện gặp nhiều khó khăn do quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, khó đầu tư đầy đủ trang thiết bị.
Ước tính mỗi tháng, nhu cầu tiêu thụ trái cây trên địa bàn thành phố khoảng 52.000 tấn, trong đó 70% là nhập khẩu từ nước ngoài và cung ứng từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thành phố còn có khoảng 3.000 hộ kinh doanh trái cây tại chợ dân sinh, chưa kể điểm kinh doanh tại khu vực ngoại thành. Do đó, việc nhân rộng điểm kinh doanh trái cây an toàn và tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè là rất cần thiết, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, địa phương. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025”. Đề án hướng tới mục tiêu giai đoạn 2020-2021 có 30-50% tuyến phố văn minh không có hàng rong, hộ kinh doanh lấn chiếm hè, đường....
Là cơ quan chủ trì thực hiện đề án, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai với 18 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, cùng với tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và người kinh doanh, Sở cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh trái cây, hàng rong lấn chiếm hè, đường; công khai các cửa hàng được cấp biển nhận diện vi phạm quy định...
Để thực hiện hiệu quả đề án, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Xuân Phạm Thị Lan Phương, quận sẽ rà soát quỹ đất tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trái cây trên lòng đường, vỉa hè vào kinh doanh. Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng cho biết, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát, xử lý vi phạm trong lưu thông, kinh doanh trái cây trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.