Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5 lần nhờ các hiệp định thương mại tự do

Theo Thu Trang/Báo Tin tức| 23/09/2020 21:05

Chiều 23-9, tại tòa nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp về “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, trưởng đoàn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Góp phần tăng trưởng kinh tế

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, cuộc làm việc hôm nay nhằm đánh giá tổng thể kết quả cũng như khó khăn thực hiện FTA mà Việt Nam ký kết và thực hiện, từ đó, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan để nâng cao hiệu quả trong công tác này thời gian tới.

Thay mặt Tổ giúp việc của Đoàn giám sát, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thực hiện giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” trong 2 ngày 22 và 23-7-2020 với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Chuyên đề giám sát được tổ chức vào năm đánh dấu mốc 25 năm kể từ khi Việt Nam tham gia FTA đầu tiên là Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN - AFTA năm 1995, đánh dấu mốc tròn 8 năm thực hiện “Chiến lược tham gia các FTA của Việt Nam đến năm 2020” tại Quyết định số 1051/QĐ-TTg ngày 9-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 25 năm, số FTA Việt Nam tham gia và đang đàm phán là 16 FTA trong đó có 13 FTA đã thực thi như FTA (năm 1996), FTA ASEAN - Trung Quốc (ACFTA, năm 2003).... Trong đó, có 2 FTA thế hệ mới đã được Quốc hội phê chuẩn là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); FTA Việt Nam - Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (Việt Nam - EFTA FTA); FTA Việt Nam - Israel.

Theo đánh giá, việc tham gia các FTA đã có tác động tích cực nhiều mặt đến nền kinh tế nước ta: Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 tăng gấp 5 lần so với năm 2007, môi trường kinh doanh tăng 23 bậc, đứng thứ năm trong ASEAN, năng lực cạnh tranh đứng thứ bảy trong ASEAN và thứ tám về phát triển doanh nghiệp với 758.000 doanh nghiệp đang hoạt động, năng lực lao động tăng... Có thể nói, thành quả hội nhập xen kẽ với kết quả đổi mới và thúc đẩy quá trình đổi mới, lan tỏa tác động trong mọi lĩnh vực.

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mỗi FTA có tác động khác nhau đến thương mại Việt Nam. Việc ký kết và tham gia các FTA có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước, góp phần kiện toàn bộ máy nhà nước thông qua cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. 

Cụ thể, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 10 nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu từ 10 nước CPTPP đạt 37,9 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2018.

Như vậy, trong năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang các nước CPTPP là 1,6 tỷ USD trong khi năm 2018 Việt Nam nhập siêu từ các nước CPTPP là 0,9 tỷ USD. 

Theo đại diện Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2019 là 123,11 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 7 tỷ USD. 

Xét về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân sang các thị trường đối tác FTA kể từ khi có Hiệp định FTA thì Ấn Độ đạt bình quân 35,7%/năm, Hàn Quốc đạt 29,2%/năm, Chile là 28,9%/năm và Trung Quốc là 20,9%/năm.

Tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác FTA của Việt Nam năm 2019 là 186 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2004, Việt Nam mới có 2 đối tác FTA là ASEAN và Trung Quốc với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD.

Còn nhiều thách thức trong thực thi FTA

Mặc dù các FTA đem lại nhiều kết quả trong phát triển kinh tế, nhưng Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ các khó khăn, thách thức trong thực thi các FTA. Theo đó, các FTA mà Việt Nam đã tham gia cho tới nay về cơ bản là với các nước có cơ cấu kinh tế tương đối giống Việt Nam, thậm chí là cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, ASEAN, Trung Quốc… nên lợi ích thu được từ các FTA chưa mang tính đột phá. 

Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam có sức cạnh tranh chưa cao do sản xuất nghiêng về số lượng, thị trường đối mặt với nhiều rủi ro. Một số doanh nghiệp không đảm bảo được chất lượng theo tiêu chuẩn của các nước đối tác. Đáng chú ý, trên 80% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. 

Các doanh nghiệp của Việt Nam nhìn chung còn gặp nhiều hạn chế trong việc tham gia các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng nhưng sự phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn rõ nét.

Trong khi đó, hệ thống các chính sách pháp luật còn thiếu, yếu và chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện các cam kết. Việc tổ chức thực hiện các FTA chủ yếu được thực hiện ở một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đồng bộ và chủ động tại tất cả các địa phương...

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đồng thời khẳng định, việc tham gia các FTA đã có tác động tích cực nhiều mặt đến nhiều mặt của nền kinh tế.

Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc ký kết các FTA đã đem lại rất nhiều lợi ích cho quốc gia: Kinh tế tăng trưởng, GDP bình quân đầu người được cải thiện… Theo số liệu, năm 1995, GDP đầu người của Việt Nam chỉ 276 USD thì đến nay là khoảng 2.740 USD, gấp 10 lần. Việc ký kết các FTA đã hỗ trợ xuất khẩu, từ đó giảm nghèo, nâng cao GDP bình quân đầu người.

Qua xem xét các báo cáo, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới thị trường Ấn Độ. Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có xu hướng tăng lên nhưng về quy mô còn quá nhỏ bé (chỉ có 6,6 tỷ USD cho thị trường 1,3 tỷ dân của Ấn Độ).

Liên quan đến việc tuyên truyền về các FTA, đại biểu cho rằng, việc điều tra, phỏng vấn, tiếp cận doanh nghiệp để lấy thông tin phải tập trung vì chỉ có doanh nghiệp nào có thị trường xuất khẩu mới quan tâm đến. Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ sâu, không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, để nếu doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường đó thì được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi đầy đủ.

Còn theo đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, để thực hiện tốt các FTA, cần có sự vào cuộc của các hiệp hội, ngành hàng, cùng với đó, vai trò và trách nhiệm của tổ chức đầu mối thực thi các FTA cần được thể hiện hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5 lần nhờ các hiệp định thương mại tự do

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.