(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà cuộc gặp gỡ thường niên của các hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam và giới KTS cả nước, vừa diễn ra trung tuần tháng 12, tại Hà Nội đã lựa chọn chủ đề
Như chia sẻ của Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, "tiếp cận, thảo luận vấn đề KTVCĐ là bàn đến trách nhiệm của mỗi KTS, của tổ chức Hội KTS Việt Nam trong việc chăm lo, hành động thiết thực bằng tri thức nghề nghiệp, góp sức xây dựng môi trường sống bình đẳng, an toàn và hạnh phúc cho mọi người".
Công trình tổ hợp trường học ở Lũng Luông (Thái Nguyên) của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và Vũ Xuân Sơn. |
Nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp
Thực tế cho thấy sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường đã, đang và sẽ tạo ra nguy cơ thu hẹp không gian dành cho cộng đồng tại các đô thị, điểm dân cư ở nông thôn, nhất là các vùng nông thôn nghèo, dân tộc, vùng cao, biên giới, hải đảo. Các khu đô thị mới khang trang, xanh tươi với vườn hoa cây cảnh không có nhiều, đa số dân cư không đủ không gian thông thoáng trong lành cho cuộc sống thường ngày. Làng quê cũng dần vắng bóng không gian xanh. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Vạn đánh giá: "Không gian cho cộng đồng vừa thiếu, vừa kém chất lượng và ngày càng bị lấn chiếm, thậm chí biến mất ở một số nơi".
Không thể phủ nhận là thời gian qua, giới KTS đã có thành công nhất định trong chương trình thiết kế công trình tôn nền vượt lũ, góp phần hạn chế tác động của thiên tai. Đâu đó đã có những công trình mang tính giải pháp cho cuộc sống bình yên của mọi người, trước hết là những nhóm yếu thế, những hộ gia đình dễ bị tổn thương trước sự biến đổi khí hậu. Nhiều KTS lăn lộn với công trình KTVCĐ như Hoàng Thúc Hào, Đoàn Thanh Hà..., được quốc tế vinh danh, trao giải thưởng kiến trúc.
Nhưng chừng đó là chưa đủ, bởi ngay gương mặt nổi bật trong xu hướng KTVCĐ là KTS Hoàng Thúc Hào cũng phải thừa nhận: "Vấn đề lớn đang tồn tại là sự thiếu vắng những công trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có tính bền vững về môi trường và xã hội, thể hiện bản sắc, góp phần thúc đẩy cộng đồng phát triển bền vững hơn".
Ý thức rõ về trách nhiệm nghề nghiệp, KTS Hoàng Thúc Hào chia sẻ: "KTS là một trong những nghề thể hiện trách nhiệm xã hội cao, tầm ảnh hưởng lớn. Nếu sâu sát thực tế, KTS không khó nắm bắt vấn đề, phát hiện vấn đề. Sự tinh tường và nhanh nhạy - phẩm chất cần thiết của KTS - có thể giúp họ thấu hiểu những khoảng trống kiến trúc. Vì vậy, KTS cần tích cực, chủ động khởi xướng phong trào hành động vì xã hội bằng chính đề xuất của mình chứ đừng chờ đợi sự hỗ trợ, động viên".
Dấn thân vì cộng đồng
Một trong những người đi tiên phong trong trào lưu KTVCĐ của thế giới là Ban Shigeru, KTS người Nhật Bản. Ông được trao Giải thưởng Kiến trúc thế giới Pritzker năm 2014 - một giải thưởng danh giá, được coi như giải Nobel trong kiến trúc - vì đã tạo ra các khu nhà ở tạm thời cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nói về hành trình dấn thân của ông, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam nhận xét: "Sự dấn thân vì cộng đồng của Ban Shigeru được thế giới đánh giá cao, coi đó là hình mẫu truyền cảm hứng sáng tạo vì cộng đồng cho thế hệ trẻ".
Giống như Ban Shigeru, hầu hết KTS đều thống nhất KTVCĐ cần được ưu tiên, cần hướng tới các nhóm yếu thế trong xã hội. Thiết kế kiến trúc cộng đồng và kiến trúc xã hội là công việc hoàn toàn tự nguyện, hầu như phi lợi nhuận. Vì vậy, người KTS cần có tâm huyết, kiên trì thì mới có thể theo đuổi mục tiêu đến cùng, không bỏ cuộc trước khó khăn, trở ngại.
Theo Ths.KTS Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Câu lạc bộ KTS trẻ Việt Nam, có ba vấn đề cơ bản trong KTVCĐ. Thứ nhất, về ý nghĩa, KTVCĐ phải hướng đến sự cao cả và nhân văn, với cách tiếp cận đầy tính hy sinh, phi lợi nhuận. Thứ hai, liên quan tới giải pháp, KTVCĐ cần có những KTS tài năng. Thứ ba, về thực thi, muốn thành công, KTVCĐ phải có sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng. "Chính cộng đồng sẽ quyết định dùng kiến trúc đó vào việc gì" - KTS Nguyễn Thu Phong nói.
Rất nhiều thách thức đặt ra trong dòng chảy kiến trúc, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu từng ngày tác động đến đời sống cộng đồng. Bên cạnh sự đầu tư ngân sách của Chính phủ, sự hảo tâm của các doanh nghiệp, sự ứng phó tự thân của người dân địa phương thì sự vào cuộc của giới KTS, những người sẵn sàng dấn thân với những công trình KTVCĐ là vô cùng cần thiết. Bởi đó chính là cách hiệu quả nhất để phát huy kiến thức, thể hiện lý tưởng nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của KTS trong thời đại mới, góp sức tạo dựng một nền KTVCĐ mang bản sắc Việt Nam, vì người dân Việt Nam, như chia sẻ của KTS Nguyễn Thu Phong: "Làm công trình KTVCĐ, chúng ta sẽ vất vả hơn làm công trình thông thường rất nhiều, phải lao tâm khổ tứ cho những đề bài nan giải với ngân sách hạn hẹp, không hy vọng có lợi nhuận thiết kế và những tác phẩm hào nhoáng. Nhưng, cái tâm của người làm nghề sẽ dẫn đến hiệu quả tốt nhất cho công trình".
Một số tác giả và công trình KTVCĐ tiêu biểu ở Việt Nam * Các công trình nhà cộng đồng của KTS Hoàng Thúc Hào: Là KTS dày công theo đuổi sáng tác KTVCĐ ở Việt Nam suốt 6 năm qua, KTS Hoàng Thúc Hảo rất thành công với công trình nhà nông thôn Suối Rè, nhà cộng đồng Tả Phìn, Quản Bạ tại các vùng núi phía Bắc, nhà cộng đồng Cẩm Thanh tại Hội An... KTS Hoàng Thúc Hảo đã kết nối thành công các tổ chức xã hội, nhà tài trợ, chính quyền địa phương và cộng đồng cư dân trong xây dựng công trình. * Nhà vệ sinh cho trẻ em tại trường học vùng cao - KTS Đoàn Thanh Hà: Từ cách đặt vấn đề "kiến trúc cho người nghèo", tác giả sáng tác thiết kế xây dựng khu nhà vệ sinh và khu tắm giặt ở Trường Sơn Lập, tỉnh Cao Bằng với tiện nghi sạch sẽ theo 3 tiêu chí: Thi công nhanh, chi phí thấp, có thể ứng dụng rộng rãi cho học sinh vùng cao trên cơ sở sử dụng vật liệu địa phương, ứng dụng công trình sinh thái thân thiện và tiết kiệm năng lượng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.