(HNM) - Nhiều đoạn hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch ở TP Hồ Chí Minh hiện bị lấn chiếm, không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy mà còn gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.
TP Hồ Chí Minh quyết liệt xử lý tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch. |
Lấn chiếm tràn lan
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt với số tiền kỷ lục lên tới 1 tỷ đồng đối với chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire (quận 2) do xây dựng sai phép lấn ra hành lang bảo vệ sông Sài Gòn và rạch Ông Hóa với tổng diện tích gần 1.400m2. Các hạng mục xây dựng lấn chiếm đã thay đổi hiện trạng đoạn rạch và sông Sài Gòn, gây nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, sạt lở cũng như xói mòn các khu vực lân cận. Vụ việc kể trên đã gióng hồi chuông báo động về thực trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch trên toàn địa bàn thành phố bởi thực tế dự án Thảo Điền Sapphire không phải là trường hợp cá biệt.
Tại khu Nam TP Hồ Chí Minh, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở đã cố tình lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch để tăng diện tích xây dựng, tăng tiện ích cho dự án nhằm trục lợi. Đơn cử, tại huyện Bình Chánh, trong quá trình thi công dự án khu dân cư Nguyên Sơn, chủ đầu tư đã thực hiện ngăn dòng, lấn chiếm gần nửa con rạch chạy dọc dự án. Trước đây, các cơ quan chức năng cũng đã rất khó khăn trong việc xử lý khi chủ đầu tư dự án Riviera Point (quận 7) tự ý lấp 5 đoạn rạch thoát nước của các khu vực dân cư xung quanh với diện tích gần 4.700m2 khiến toàn khu vực thường xuyên bị ngập.
Theo ghi nhận, tình trạng các dự án nhà ở lấn chiếm hệ thống sông, kênh, rạch diễn ra khá phức tạp, tập trung ở những địa bàn có nhiều sông, kênh, rạch như quận 2, 4, 7, 8, 9, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Trong đó, chỉ riêng tại quận 8 có gần 10.000 căn nhà lấn chiếm kênh, rạch cần được giải tỏa. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả thoát nước, gây tắc nghẽn dòng chảy, khiến tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng. Theo các cơ quan chức năng, hầu hết các trường hợp lấn chiếm hành lang hệ thống sông, kênh, rạch nhằm mục đích riêng, tăng diện tích để bán hoặc sử dụng.
Kỷ luật người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm
Có thể thấy, việc sông, kênh, rạch ngày càng bị thu hẹp dòng chảy, bị "bức tử" đang là thực trạng nhức nhối. Sau nhiều năm xử lý không triệt để, mới đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thay phiên đi khảo sát thực tế tại nhiều địa bàn trọng điểm. Sau khi kiểm tra, UBND thành phố đánh giá, công tác bảo vệ hành lang sông, hệ thống kênh rạch thoát nước thời gian qua còn yếu kém, có nơi còn hợp thức hóa diện tích đất dùng cho việc thoát nước để xây dựng dự án nhà ở.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ giải quyết đồng bộ việc xây dựng các công trình nhà ở với hệ thống thoát nước. Thành phố phấn đấu khôi phục lại tất cả hệ thống kênh rạch thoát nước tự nhiên. Trọng tâm là giải quyết tình trạng nhà ở lấn chiếm kênh rạch, cản trở hệ thống thoát nước. "Dù khó khăn thế nào thì thành phố cũng phải giải quyết đồng bộ. Nơi nào không thực hiện đúng sẽ chấn chỉnh quyết liệt, không để những lợi ích riêng của từng doanh nghiệp, người dân lấn chiếm làm cản trở đến hệ thống thoát nước của thành phố", ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Để thực hiện điều này, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện ban hành kế hoạch chi tiết, thể hiện rõ các mốc thời gian xử lý, khẩn trương xử lý nghiêm, dứt điểm và di dời các trường hợp xây dựng lấn chiếm hệ thống thoát nước. Thành phố cũng ra "tối hậu thư": Trong thời gian tới, quận, huyện và phường, xã nào để hành lang sông và kênh rạch bị lấn chiếm hay tái lấn chiếm thì người đứng đầu sẽ bị kỷ luật. Bên cạnh đó, thành phố cũng vận động, tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ hành lang sông, hệ thống thoát nước, xử phạt đối với những trường hợp xả rác, chất thải xuống lòng kênh rạch làm tắc nghẽn dòng chảy. Đồng thời, nghiêm cấm mọi trường hợp san lấp kênh rạch phục vụ thoát nước.
Xử lý nghiêm sai phạm tại dự án Thảo Điền Sapphire Liên quan đến sai phạm của dự án Thảo Điền Sapphire, cả chủ đầu tư dự án và Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản kiến nghị gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị cho một số hạng mục xây sai phép được tồn tại. Trước việc này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu quan điểm: Luật là luật, không du di cho sai phạm. Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất hướng xử lý dự án trên theo đúng quy định của pháp luật. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.