(HNMO)- Ngày 18-1, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác nội vụ năm 2018. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo hội nghị.
Năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt, Bộ Nội vụ đã tổ chức triển khai thực hiện và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Bộ đã làm tốt việc đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức ở 63 tỉnh, thành phố. Công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính, trọng tâm là công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức cũng như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính dần đi vào nền nếp. Công tác quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế được thực hiện kịp thời, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tính đến ngày 31-12-2017, cả nước đã thực hiện tinh giản biên chế với tổng số là 33.459 người. Bộ đã thẩm định số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2017 đối với 42 địa phương.
Tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng cho biết, TP Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành việc xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của các cơ quan hành chính, phê duyệt đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố. TP Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước đã xác định được số lượng biên chế dự kiến theo từng vị trí việc làm đến năm 2021, bám sát tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% theo đúng tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức".
Qua việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm, đến cuối năm 2017, TP Hà Nội đã xác định được thêm 106 đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên, giảm được 9.361 biên chế. Sản phẩm đề án vị trí việc làm của TP Hà Nội được các đoàn công tác của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành đánh giá cao. Đạt được kết quả đó là do trong quá trình thực hiện, thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể, rõ ràng, đồng bộ từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn đến lựa chọn đơn vị làm mẫu...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương kết quả Bộ Nội vụ đã đạt được, đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đồng chí đề nghị ngành Nội vụ thẳng thắn nhìn nhận, chỉ rõ những nguyên nhân hạn chế, tồn tại như: Chậm tham mưu, hoàn thiện các văn bản trong lĩnh vực công vụ, công chức; chưa chú trọng rà soát để đề xuất tổng thể biên chế công chức, viên chức, cơ cấu lại vị trí việc làm; chưa phát huy hết vai trò của cơ quan quản lý thống nhất về lĩnh vực công vụ nên còn để xảy ra sai sót trong quá trình quản lý và thực hiện biên chế tại các cơ quan, địa phương; chưa đổi mới công tác thi nâng ngạch công chức để khắc phục tính hạn chế, hình thức trong tuyển dụng, gây bức xúc dư luận…
Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2018 hết sức nặng nề, Chính phủ đề ra phương châm xây dựng Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ hết sức gương mẫu, phát huy tinh thần dân chủ, đoàn kết thống nhất, tập trung trí tuệ để lãnh đạo ngành Nội vụ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cụ thể, Bộ Nội vụ cần tập trung nghiên cứu hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế về công vụ, công chức phù hợp với các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Ngoài ra, cần chú trọng triển khai nghiên cứu đánh giá tác động trong việc xây dựng các dự án luật có trong chương trình công tác như, Luật Viên chức, Luật Cán bộ công chức. Cùng đó, Bộ cần hoàn thiện Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp để trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII).
Bộ Nội vụ cần đề xuất mô hình về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, mô hình các cơ quan tổ chức theo ngành dọc để có đề án tổng thể trình Chính phủ, bảo đảm tỷ lệ tinh giản đầu mối các đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt, Bộ cần kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế theo tỷ lệ và lộ trình đã đề ra cũng như nghiên cứu chế độ hợp đồng viên chức, khắc phục sử dụng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ. Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời phát hiện, phòng ngừa vi phạm trong công tác cán bộ. Bộ Nội vụ khẩn trương thành lập tổ công tác thực hiện thanh tra công vụ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.