(HNM) - Trong cuộc kiểm tra thực địa Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn thành phố mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án lưu ý lãnh đạo các quận, huyện: “Các đồng chí phải sát sao với công việc, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân và sự tin tưởng của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Trung ương”.
Đây là chỉ đạo rất cần thiết và kịp thời. Vì đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược. Công tác giải phóng mặt bằng vốn dĩ đã quan trọng, đối với dự án này lại càng quan trọng hơn, bởi đòi hỏi triển khai rất khẩn trương, tiến độ gấp; trong khi quy mô, khối lượng công việc lớn, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Giải phóng mặt bằng dự án lớn, quan trọng như vậy, nhân tố quyết định hàng đầu là sự đồng thuận của người dân và muốn dân ủng hộ, phải làm sao để dân tin. Để được dân tin, thì quá trình thực hiện phải bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, khách quan, công khai, minh bạch, đúng chính sách, đúng pháp luật, không được để xảy ra sai sót. Bởi sai sót làm mất lòng tin của dân, mà mất lòng tin là mất tất cả. Chưa kể, quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng có thể ví như đoàn tàu đang chạy. Khi sai sót xảy ra, dù là nhỏ, thì cả đoàn tàu phải dừng lại chờ sửa chữa xong mới có thể đi tiếp.
Như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, để phòng ngừa sai sót, lãnh đạo các quận, huyện phải sát sao với công việc. Mấu chốt ở đây là phải tăng cường kiểm tra, giám sát, không chỉ thường xuyên, mà còn đột xuất, bất ngờ. Đặc biệt, phải thực hiện tốt tinh thần tại hội nghị giao ban giữa Ủy ban Kiểm tra Thành ủy với Bí thư cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua, đó là: “Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các quận ủy, huyện ủy phải vào cuộc song song, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn ngừa vi phạm”.
Đây cũng là giải pháp chung được Thành ủy Hà Nội chỉ đạo trong suốt quá trình triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Không chỉ huy động lực lượng kiểm tra, giám sát vào cuộc ngay từ đầu và thường xuyên, các lực lượng công an, kiểm toán, thanh tra cũng phải thực hiện nhiệm vụ đồng thời để phòng ngừa sai sót, vi phạm từ sớm, từ xa.
Trên thực tế, nhiệm vụ, giải pháp này đã được một số địa phương như các huyện: Mê Linh, Hoài Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng này đòi hỏi phải được thực hiện ở tất cả các khâu và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan. Có như vậy mới bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát vừa chặt chẽ, vừa toàn diện.
Đối với các quận, huyện thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, sai sót và vi phạm dễ xảy ra liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất, đo đạc diện tích đất, nhất là ở cấp cơ sở. Đây là vấn đề các cấp, ngành, địa phương liên quan phải đặc biệt quan tâm, lưu ý.
Trước tầm quan trọng của dự án, chỉ đạo nêu trên của Bí thư Thành ủy có ý nghĩa rất quyết định, chỉ rõ yêu cầu cần thống nhất về nhận thức và hành động. Điều này không chỉ vì cái chung, tốt cho dự án, mà còn giúp tránh xảy ra sai phạm, tiêu cực. Chỉ đạo này cũng không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Dự án đường Vành đai 4, mà còn có thể vận dụng để thực hiện đối với tất cả các dự án đầu tư nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.