(HNMO) - Một phép thử nước bọt mới nhằm phát hiện cần sa trong cơ thể con người với cơ chế tương tự như máy thổi đo nồng độ cồn hiện nay vừa được công bố.
Được phát triển bởi giáo sư Shan Xiang Wang tại trường đại học Stanford (Mỹ), thiết bị mới cho phép phát hiện THC (thành phần hoá học chính của cần sa khiến con người cảm thấy hưng phấn) trong nước bọt chỉ trong vòng ba phút. Nói cách khác, cảnh sát sẽ không cần mang mẫu thử tới các phòng thí nghiệm và chờ đợi khá lâu như trước. Các cảm biến hiện đại trên thiết bị cầm tay mới này đã có thể phát hiện THC và gửi kết quả tới điện thoại thông minh qua Bluetooth.
Theo giáo sư Wang, việc phát hiện cần sa thông qua nước tiểu hay mẫu máu không phải là điều khó. Tuy nhiên để triển khai trên diện rộng lại là điều rất khó khăn và phi thực tế. Bản thân các sĩ quan cảnh sát cũng không được phép lấy mẫu máu của người đi đường để thử nghiệm trong khi lấy nước tiểu lại là điều cực kì tế nhị và bất tiện. Chính vì thế, việc phát hiện cần sa bằng nước bọt sẽ giải quyết triệt để mọi trở ngại.
Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới đang hợp pháp hoá việc sử dụng cần sa, một cơ chế kiểm soát đủ hiệu quả tương tự như với bia và rượu nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của thứ vốn một thời được coi là ma tuý cấm này hiển nhiên hết sức cần thiết.
Hiện tại, phòng thí nghiệm của giáo sư Wang đang rất tích cực trong việc chế tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh để có thể triển khai rộng rãi trong lực lượng cảnh sát. Tuy nhiên khi công cụ hỗ trợ pháp luật mới này có mặt trên các cung đường, giới chức Mỹ sẽ vẫn phải tìm ra một mốc cụ thể cho “nồng độ cao” đối với cần sa. Mốc nào sẽ bị cấm điều khiển phương tiện? Mốc nào sẽ bị phạt nặng?… Mặt khác, cơ thể con người có cơ chế hấp thụ các chất hoá học như THC rất khác với cồn.
Ngoài ra, do THC bị hoà tan trong chất béo thay vì nước, nó có thể tồn tại trong các tế bào mỡ như ở não người một thời gian dài. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng thiết bị mới sẽ phải được kiểm nghiệm rất chặt chẽ để trả lời được mọi câu hỏi kiểu như thế trước khi có thể đưa vào thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.