Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát nguy cơ tai nạn lao động

Hà Hiền| 28/04/2021 06:19

(HNM) - Những năm gần đây, tình hình mất an toàn lao động diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Do đó, việc kiểm soát nguy cơ về tai nạn lao động là yêu cầu bức thiết, cần sự hành động quyết liệt của các bên liên quan.

Đoàn kiểm tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động tại dự án Metro Line 3 Hà Nội vào ngày 13-4-2021.

Nguy cơ tiềm ẩn, thiệt hại khôn lường

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2020, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 388 vụ tai nạn lao động, làm 402 người thương vong. Trong đó, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người chết) tăng 13 vụ so với năm 2019. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn lao động mà gần đây nhất là vụ công nhân bị mắc kẹt tại công trình xây dựng ở số 170 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) do hệ sàn cốp pha bị sập.

Trên phạm vi cả nước, trung bình mỗi năm xảy ra gần 8.300 vụ tai nạn lao động, khiến gần 8.500 người bị nạn. Tai nạn lao động xảy ra nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng, chiếm tới 32% số vụ tai nạn gây chết người. Theo Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Tiến Tùng, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người chủ yếu là do người sử dụng lao động chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động (chiếm tới 44,97%) và do người lao động chủ quan, lơ là (chiếm 23,85% tổng số vụ việc).

Hậu quả do tai nạn lao động gây ra rất lớn. Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, riêng năm 2020, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động gây ra là hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về tài sản là hơn 3.883 tỷ đồng. Đối với nạn nhân, họ phải gánh chịu nỗi đau dai dẳng. Từng bị tai nạn lao động dẫn đến thương tật với tỷ lệ 57% vào năm 2018, anh Trần Văn Bảo, Công ty TNHH Hanoi Steel Centen (xã Võng La, huyện Đông Anh) cho hay: “Chi phí cho ca phẫu thuật khá tốn kém, lại bị suy giảm khả năng lao động, khiến cuộc sống gia đình tôi hiện gặp nhiều khó khăn”.

Dưới góc độ quản lý, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng cho rằng, hiện tại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang phục hồi, các công trình xây dựng thi công ở nhiều nơi, nên nguy cơ tai nạn lao động vẫn luôn tiềm ẩn.

Trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ sẽ giúp người lao động tránh được rủi ro tai nạn trong quá trình sản xuất. Ảnh: Nhật Nam

Nỗ lực kiểm soát

Để giảm thiểu thiệt hại, mất mát do tai nạn lao động gây ra, các bên liên quan cần tăng cường phối hợp, nhằm kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn lao động.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, thành phố đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngành, địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh chú trọng bảo đảm an toàn lao động. Theo đó, đa số các đơn vị nêu cao tinh thần “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Chẳng hạn, tại Dự án Metro Line 3 Hà Nội do nhà thầu Fecon thi công (Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội), Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu, người theo sát mọi hoạt động của dự án cho biết, đơn

vị thi công đã sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn (vận thăng, cần trục…) trong quá trình thi công; tổ chức tập huấn phòng ngừa tai nạn lao động cho 100% người lao động. Nhờ vậy, đến nay, đơn vị này đã có gần 4 triệu giờ lao động an toàn.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội mở nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho đại diện doanh nghiệp, người lao động. “Các lớp tập huấn giúp tôi hiểu rõ, việc kiểm soát nguy cơ gây tai nạn lao động bắt đầu từ những việc rất nhỏ như phải mặc bảo hộ lao động, làm việc tập trung, không hút thuốc lá khi đang làm việc…”, anh Phạm Văn Nam, cơ sở sản xuất Nam Lương, xã Liên Hà (huyện Đông Anh) nói.

Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 (diễn ra từ ngày 1 đến hết 31-5), với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác bảo đảm an toàn lao động. Nổi bật là lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động thành phố Hà Nội năm 2021 diễn ra ngày 29-4 tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì).

Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn lao động. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021 với nhiều hoạt động ý nghĩa. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động tiếp tục được triển khai trên quy mô rộng. Từ nay đến cuối năm 2021, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành tranh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đối với 600 dự án xây dựng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát nguy cơ tai nạn lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.