(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng mạnh sau hai tháng
Bên cạnh nguyên nhân tăng giá do giá nguyên, nhiên liệu và lãi suất ngân hàng cao, việc mua gom nông sản với số lượng lớn của thương nhân Trung Quốc đang diễn ra ở nhiều địa phương đã góp phần làm mất cân đối cung - cầu trên thị trường, khiến nhiều mặt hàng tăng giá.
Vì sao giá thực phẩm, rau quả tăng đột biến?
Giá các loại rau, củ, quả đã tăng cao trong những ngày qua. Ảnh: Đàm Duy
Giá thị trường trong nửa đầu tháng 7 đã tăng đột biến so với cùng kỳ tháng 6 không chỉ làm đau đầu các bà nội trợ mà còn đặt ra không ít vấn đề cho công tác quản lý thị trường.
Giá một số loại rau, củ, quả tươi tăng rất cao, như bắp cải tăng 2.000- 4.000 đồng/kg, cà chua tăng 2.000-3.000 đồng/kg, khoai tây tăng 7.000 đồng/kg… Giá một số mặt hàng thực phẩm cũng tăng mạnh. Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi đã tăng 23-28%, miền Nam tăng 11-14%. Thực phẩm tăng giá mạnh khiến CPI tháng 7 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tăng cao. Tại Hà Nội, CPI đã tăng 1,32% so với tháng 6, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng là hàng ăn và dịch vụ ăn uống với chỉ số tăng 2,67%. Mức tăng CPI 1,07% trong tháng 7 đã đưa giá tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh tăng 17,89% so với cùng kỳ năm trước. Riêng giá thực phẩm đắt hơn tháng 6 tới 1,92%. Thịt lợn, trứng có mức tăng giá vượt trội, lần lượt là 4,13% và 5,54%. Thịt bò, thịt gà, thủy, hải sản tươi sống và chế biến, rau, củ, quả cũng tăng lên một mức giá mới.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), do cơn bão số 2 đã phá hoại diện tích trồng rau lớn ở một số địa phương cộng với lượng rau, củ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm, khiến nguồn cung trên thị trường bị ảnh hưởng. Nguyên nhân khiến giá thực phẩm tươi tăng cao chủ yếu do thức ăn chăn nuôi đội giá. Bình quân, giá thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm nay đã tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, vốn đầu tư cho chăn nuôi bị hạn chế vì lãi suất ngân hàng quá cao cộng với ảnh hưởng tâm lý sợ thiệt hại do dịch bệnh khiến nhiều gia đình không mở rộng chăn nuôi.
Giải pháp ổn định thị trường
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan gây tăng giá đã được cơ quan quản lý chỉ rõ, có thể thấy cân đối cung - cầu tại thị trường trong nước đang bị ảnh hưởng do tình trạng thương nhân Trung Quốc mua gom nhiều loại nông sản, thực phẩm… với số lượng lớn. Theo phân tích của các chuyên gia, tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc đang rất "nóng", tăng tới 8%/năm. Do vậy, nguyên liệu tại quốc gia này đang bị thiếu hụt nghiêm trọng và Việt Nam là một trong những thị trường có thể bù đắp. Điều đáng nói, thương nhân Trung Quốc mua gom hàng hóa với giá cao hơn thị trường trong nước 1-3% rồi vận chuyển qua đường tiểu ngạch. Về lý thuyết, nông dân sẽ thu lợi nhuận cao do bán được giá. Nhưng nếu phân tích sâu xa, bên cạnh việc thị trường trong nước bị mất cân đối do nguồn cung giảm mạnh, ngân sách nhà nước cũng sẽ thất thu lớn.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc các thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua với giá cao hơn là vì họ không mất thuế. Tác hại của việc mua gom hàng hóa này là làm đảo lộn thị trường Việt Nam. Người dân thiếu hàng hóa và doanh nghiệp (DN) thiếu nguyên liệu để sản xuất, hoặc phải mua nguyên liệu giá cao do phải cạnh tranh với thương nhân Trung Quốc. Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán về WTO của Việt Nam cho rằng, về lâu dài việc DN Trung Quốc tranh mua nông sản dẫn đến nhiều hệ quả không tốt cho nông nghiệp trong nước. Bởi được giá thì họ tranh mua, khi rớt giá không thấy đâu. Cũng theo ông Lương Văn Tự, cam kết WTO của Việt Nam cho phép hỗ trợ 10% cho nông nghiệp, nhưng hiện ta mới sử dụng 2-3%. Khi gia nhập WTO, Việt Nam được phép không mở cửa hết trong lĩnh vực nông nghiệp. DN có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép xuất khẩu không được lập cơ sở thu mua hàng trực tiếp tại thị trường Việt Nam. Đây là những điều khoản mà ta có thể sử dụng để giữ ổn định thị trường…
Trước những diễn biến bất thường của giá thị trường, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý giá cả, thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý giá trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.