Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp: Khắc phục tính nhỏ lẻ, thời vụ

Ngọc Quỳnh| 20/02/2017 07:14

(HNM) - Thị trường vật tư nông nghiệp (VTNN) hiện vẫn diễn biến phức tạp, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN nhiều nhưng đều nhỏ lẻ, thời vụ. Khắc phục tình trạng này không phải là chuyện dễ.

Các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn tới việc có nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng. Ảnh: Thái Hiền.


3.754 cơ sở là nhỏ lẻ, thậm chí mùa vụ

Thời gian qua, trong các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là lĩnh vực bị vi phạm nhiều nhất. Theo bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng cơ sở vi phạm về buôn bán thuốc hết hạn sử dụng, không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố, nhãn hàng hóa là do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN trên địa bàn Hà Nội lớn với 4.135 cơ sở, nhưng có 3.754 cơ sở nhỏ lẻ, thậm chí mùa vụ. Số lượng các cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, SSOP, HACCP… còn ít, trong khi địa bàn quản lý ở các địa phương rộng, trình độ quản lý chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ ở cơ sở còn hạn chế...

Cũng phải nói thêm, vừa qua Bộ NN&PTNT đã bãi bỏ Thông tư số 20/2014/TT-BNNPTNT ban hành ngày 26-6-2014 quy định một số nội dung về phân công và thẩm quyền quản lý VTNN, nhưng chưa có giải pháp thay thế kịp thời để quản lý có hiệu quả chất lượng vật tư đầu vào đồng bộ ở các lĩnh vực, gây khó khăn cho cơ sở khi kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm.

Không chỉ có lĩnh vực thuốc BVTV, kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, tình trạng phân bón hữu cơ, phân bón kém chất lượng diễn biến phức tạp ở một số địa phương, một số doanh nghiệp; cơ sở nhỏ lẻ chưa đáp ứng đủ điều kiện cần thiết vẫn tồn tại và tham gia sản xuất kinh doanh phân bón. Bộ NN&PTNT đã chỉ định cho một số đơn vị được cấp giấy chứng nhận chất lượng, thử nghiệm chất lượng phân bón, song lại có nhiều sai phạm như: Chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định, không thực hiện giám sát khi cấp dấu hợp quy cho doanh nghiệp, không bảo đảm điều kiện chứng nhận chất lượng...

Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) Cao Văn Tuyến cho biết, huyện có 100 cơ sở kinh doanh VTNN, nhưng phần lớn đều nhỏ, lẻ, còn tình trạng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y kém chất lượng. Hiện bất cập ở cơ sở là thời gian kiểm nghiệm, phân tích mẫu kéo dài, nguồn kinh phí thanh tra, kinh phí kiểm nghiệm mẫu còn hạn chế, gây khó khăn cho địa phương trong công tác xử lý.

Tăng cường kiểm tra chất lượng

Thời gian qua, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra xử phạt các cơ sở sản xuất - kinh doanh VTNN, nhưng vì lợi nhuận mà các cơ sở, doanh nghiệp này vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, để từng bước quản lý được các cơ sở này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của ngành Nông nghiệp là sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng các mặt hàng VTNN như: Thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản, phân bón hữu cơ và phân bón khác, giống cây trồng… để hạn chế tối đa việc người dân đưa các loại sản phẩm không đạt chất lượng vào sản phẩm nông nghiệp, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các đơn vị của ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố kiểm tra, phát hiện, xử lý những sai phạm về nhãn mác như: Hiện tượng thuốc BVTV ghi thêm đối tượng mà chưa được khảo, kiểm nghiệm; chất xử lý, cải tạo môi trường ghi thêm nhãn mác phòng, trị bệnh để đánh lừa người tiêu dùng; vật tư ngoài danh mục được phép lưu hành... Đồng thời, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, danh mục lưu hành đối với các nhà máy, đại lý kinh doanh VTNN.

Để nâng cao công tác quản lý VTNN ở địa phương, các cơ quan quản lý nên thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý VTNN cho cán bộ cấp xã, phường, chủ cơ sở nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khi đánh giá, phân loại cơ sở trên địa bàn. Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn kinh phí cho địa phương để thực hiện thanh tra, kiểm tra và xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ công tác lấy mẫu, giám sát chất lượng để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực VTNN…

Năm 2016, Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục BVTV, lực lượng công an đã phát hiện nhiều hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, sản xuất, kinh doanh thuốc kém chất lượng; các sản phẩm thuốc có sai phạm về nhãn mác, hợp chuẩn, hợp quy. Xác định được 37 công ty có hành vi vi phạm, Thanh tra Bộ đã ban hành 37 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 990 triệu đồng; đình chỉ hoạt động sản xuất đối với 3 công ty không có giấy phép sản xuất, buộc tiêu hủy các sản phẩm vi phạm với số lượng lớn.

Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT 
Nguyễn Văn Việt

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp: Khắc phục tính nhỏ lẻ, thời vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.