(HNM) - Trong khi tệ nạn ma túy vẫn có dấu hiệu phức tạp thì thời gian gần đây trên địa bàn thành phố lại xuất hiện các loại chất gây nghiện, hướng thần nguy hại mới. Đáng tiếc, việc nhận diện và ngăn chặn các loại chất gây nghiện này đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Ban chỉ đạo 139 TP Hà Nội, thời gian gần đây, tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng; hoạt động tổ chức, chứa chấp sử dụng ma túy tổng hợp cũng phức tạp. Số vụ việc liên quan đến ma túy tổng hợp chiếm gần 43% vụ việc liên quan đến ma túy. Những con số trên có thể chưa phản ánh đúng thực tế, bởi hiện nay đã xuất hiện những hình thức, cách thức sử dụng chất gây nghiện, chất hướng thần mới.
Xây dựng những "sân chơi" lành mạnh như hoạt động tình nguyện, thể thao… là giải pháp hiệu quả để giới trẻ không tìm đến hoạt động tiêu cực. |
Điều đáng nói là những hình thức mua bán, sử dụng và loại ma túy mới không dễ kiểm soát. Tại địa bàn Hà Nội, thời gian gần đây nổi lên việc sản xuất và mua bán "bánh lười". Một trinh sát phòng chống ma túy cho biết, "bánh lười" được làm từ tinh chất cần sa trộn với bơ, sữa, trứng, sô cô la... rồi đem nướng. Về hình thức, "bánh lười" giống như nhiều loại bánh ngọt nhưng có tính chất hướng thần, gây ảo giác và đương nhiên gây nghiện. Tội phạm sản xuất loại ma túy này khá công khai, đăng quảng cáo, giao bán bánh cả trên mạng xã hội. Mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy - CATP Hà Nội đã khám phá một vụ mua bán "bánh lười" trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, bắt 3 đối tượng, thu giữ 23 "bánh lười", hơn 888g cần sa và một số dụng cụ như khuôn, máy ép, lò nướng dùng để chế biến loại bánh gây ảo giác này.
Khó phát hiện, đấu tranh hơn món "bánh lười" là hình thức chất hướng thần "khí cười". Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây, ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương đã có hiện tượng thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng "khí cười" hay "bóng cười" để tìm cảm giác lạ, hưng phấn, ảo giác và tạo những cơn cười vô cớ. Loại "khí cười" này thực chất là hợp chất ôxit nitơ (N2O), khi vào cơ thể sẽ tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười nên được gọi là "khí cười". Tác dụng của loại "khí cười" này rất ngắn nên người dùng thường sử dụng liên tục, đưa lượng lớn loại khí này vào cơ thể, không kiểm soát được và vì vậy gây nguy hại. "Khí cười" có thể khiến người sử dụng bị ngộ độc, rối loạn thần kinh. Sử dụng nhiều, lâu ngày có thể khiến cho người sử dụng mất cảm giác, không hoạt động được bình thường, rối loạn thần kinh, mất trí nhớ, trầm cảm. Việc kiểm soát N2O không dễ bởi đây là chất được dùng phổ biến trong y học với tác dụng gây tê khi phẫu thuật.
Tác hại của "bánh lười" hay "khí cười" đã quá rõ nhưng việc phát hiện, ngăn ngừa không đơn giản. Về "bánh lười", việc phát hiện, xử lý có phần đơn giản hơn vì trong thành phần có cần sa, là chất ma túy trong danh mục cấm. Nhưng, để xác định, phân biệt rõ được "bánh lười" với các loại sản phẩm khác cũng không phải dễ. Với "khí cười", việc đấu tranh khó khăn hơn rất nhiều vì N2O không nằm trong danh mục các chất cấm mua bán nên việc sử dụng loại khí này diễn ra ngày càng nhiều, công khai trong thanh, thiếu niên, nhất là ở các thành phố lớn. Ngay cả Bộ Công an cũng cho biết, còn đang tiếp tục đánh giá mức độ, tác hại của "khí cười" đối với sức khỏe và khả năng gây nghiện của nó, chưa có hình thức đấu tranh cụ thể.
Thực tế là tội phạm ma túy luôn diễn biến rất phức tạp, các loại hình ma túy mới xuất hiện với chu kỳ ngắn hơn, giá thành rẻ hơn. Vì vậy, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống ma túy phải được tiến hành thường xuyên. Để ngăn chặn sự lây lan của "bánh lười", "khí cười", trước hết là việc tuyên truyền về tác hại của chúng, đặc biệt trong đối tượng thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thể hiện rõ mức độ chủ động trong việc tham mưu xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện để có thể đấu tranh hiệu quả với các loại ma túy, chất hướng thần, chất gây nghiện mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.