(HNM) - Triển khai cuộc vận động
Sản phẩm may mặc của DN Hà Nội được bán ở các tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Khánh Nguyên |
Đây là một trong những hoạt động nhằm kích thích tiêu dùng, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn hai tỉnh Sơn La, Lào Cai có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao. Với quy mô 50-60 gian hàng/điểm, các doanh nghiệp (DN) SXKD Hà Nội, Sơn La và Lào Cai đã quảng bá, bày bán những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, điện, điện tử, đồ gia dụng, dược phẩm, văn phòng phẩm, sản phẩm làng nghề… chất lượng tốt, giá bình ổn. Nhằm thu hút sức mua của người tiêu dùng (NTD), các DN, cơ sở SXKD tham gia chương trình đều xây dựng giá bán hàng hóa cạnh tranh và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Vì vậy, hàng hóa được bán đều có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng và phù hợp với thị hiếu của NTD nông thôn. Ngay ngày đầu tiên khai trương, chương trình đã thu hút 5.000-10.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Cùng với các hoạt động trưng bày, giới thiệu, mua bán hàng hóa, các DN còn tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm, tư vấn cho NTD; đẩy mạnh hoạt động kết nối với nhà bán lẻ, đại lý để mở rộng mạng lưới cung ứng hàng hóa bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường nông thôn, miền núi. Qua đó, xây dựng chiến lược SXKD và phát triển hệ thống phân phối lâu dài. Sau 4 đợt bán hàng đã đạt doanh thu hơn 6 tỷ đồng, trong đó có nhiều DN đạt doanh số bán hàng lớn như Công ty CP Khóa Việt Tiệp, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, Công ty TNHH Tân Bắc Đô bán hàng dệt len, Vifon Acecook, Sữa Hanoi Milk, sản phẩm nhôm gia dụng của Công ty TNHH Thương mại Mai Long, đồ gỗ khảm trai mỹ nghệ làng nghề Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên)… Các sản phẩm làng nghề của Hà Nội như dao kéo Đa Sỹ, sản phẩm hương thơm Xà Kiều, gốm sứ Bát Tràng… được NTD tại đây ưa chuộng. Đáng chú ý, sản phẩm của Công ty Dược phẩm Hà Tây do Công ty Nhất Tâm phân phối đã được Sở Y tế của hai tỉnh Sơn La, Lào Cai đề nghị cung cấp vào hệ thống thuốc bảo hiểm y tế tại các bệnh viện của tỉnh.
Các chương trình bán hàng - liên kết trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại giữa Hà Nội với tỉnh Sơn La và Lào Cai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao nhận thức, lòng tin của nhân dân về văn minh thương mại, về chất lượng, thương hiệu, giá thành các sản phẩm Việt, nhất là đối với người dân các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất, tạo tiền đề cho việc mở rộng các chương trình bán hàng tại những tỉnh khác trong khu vực Tây Bắc. Phần lớn DN tham gia chương trình đều phấn khởi đón lượng khách đến tham quan, mua sắm rất đông. Theo Sở Công thương Hà Nội, sau 2 ngày đầu tiên đã có một số DN bổ sung hàng đợt 2. Đây thực sự là cơ hội để các DN tiếp cận thị trường đầy tiềm năng tại các tỉnh Tây Bắc, hiểu được nhu cầu NTD của từng địa phương để xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, đẩy mạnh giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh.
Có thể thấy, trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng thì việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại về nông thôn, miền núi không chỉ là dịp gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất với NTD, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong nước, mà còn là giải pháp kích cầu, mở rộng thị trường. Thành công lớn nhất của chương trình là người dân trên địa bàn hai tỉnh đã tiếp cận được với các sản phẩm sản xuất trong nước và hàng Việt đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, để hàng Việt "sống khỏe" tại đây, các DN cần chú trọng quảng bá thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối tại các tỉnh, đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn với nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa thiết yếu, nhất là những vùng sâu, vùng xa, miền núi để NTD trong tỉnh tiếp cận được với hàng Việt và có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.