Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ công ích

Hồng Sơn| 05/01/2017 11:18

(HNMO) - Ngày 5-1, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) tổ chức hội thảo cơ chế, chính sách cung ứng dịch vụ công ích tại các đô thị Việt Nam.


Dịch vụ công ích bao gồm một số hoạt động phục vụ đời sống dân sinh, cộng đồng, gồm: thu gom-chế biến rác, nước thải, chiếu sáng công cộng, vườn hoa-công viên-cây xanh, bảo vệ môi trường, vận tải công cộng, cấp–thoát nước…Nhìn chung, các doanh nghiệp (DN) thuộc Nhà nước thực hiện vai trò quản lý, đảm nhận cung ứng các dịch vụ nói trên.

Tuy nhiên, đến nay việc phần lớn DN Nhà nước vẫn đảm nhận nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công ích tại đô thị không còn phù hợp nữa, cần có sự thay đổi theo hướng đa dạng hóa hình thức DN tham gia, chủ yếu qua sự có mặt của DN tư nhân nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như tiết kiệm, giảm chi phí hoạt động cung ứng dịch vụ công ích. Đây cũng là yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng theo nội dung cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cần mở rộng hoạt động cung ứng dịch vụ công ích tại đô thị gắn liền với yêu cầu nâng cao chất lượng, tăng tính tự chủ DN và bảo đảm cơ hội cho các DN ngoài nhà nước tham gia; đặc biệt là quan tâm đến lĩnh vực y tế và giáo dục.

Các chuyên gia cho rằng, cần kêu gọi các DN tham gia vào quá trình cung ứng dịch vụ công ích để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của xã hội, nhất là xét trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra trên diện rộng và nhanh chóng. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần duy trì, bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, tập trung tạo cơ hội cho các đơn vị cạnh tranh trên tinh thần công bằng; từ đó cạnh tranh tự do bằng giá cả và chất lượng phục vụ.

Cần phát huy thế mạnh và điều kiện tốt cho DN thông qua hoạt động đấu thầu, từ đó thu về những lợi ích toàn diện cho xã hội, DN và các đối tượng thụ hưởng một cách hài hòa. Đơn cử, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã xác nhận tiết kiệm được tới 60% chi phí nhờ thực hiện đấu thầu dịch vụ công ích trên địa bàn. Trong khi đó, một số địa phương khác cũng xác nhận thường xuyên tiết kiệm được hơn 10% bằng biện pháp đấu thầu.

Một số đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…đều có nhu cầu lớn về số lượng, chủng loại dịch vụ công ích bên cạnh yêu cầu cao hơn về chất lượng. Vì vậy, dư luận xã hội, cơ quan chức năng cần quan tâm đến những ý kiến phản hồi, nhất là sự hài lòng của người dân. Nhu cầu của cộng đồng sẽ gia tăng và đa dạng hơn, với yêu cầu cao hơn về chất lượng trong thời gian tới. Điều đó đồng nghĩa với nhận định rằng, dư địa để cải thiện tình hình và phát triển dịch vụ công ích vẫn còn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ công ích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.