(HNM) - Trong một động thái thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ngày 23-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPEF).
Về cơ bản, đây là một khuôn khổ với nhiều nền kinh tế khác nhau, chiếm tới 40% GDP toàn cầu, nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn về hàng loạt các vấn đề, trong đó tập trung vào 4 trụ cột, gồm: Thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ J.Biden rất chú trọng thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và coi đây là khu vực ưu tiên về an ninh, kinh tế và đối ngoại của xứ Cờ hoa. Với mục tiêu đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, ổn định khu vực, đồng thời mở rộng ảnh hưởng, Washington nhấn mạnh vai trò của các liên minh, liên kết về kinh tế, chính trị và an ninh mà Mỹ giữ vai trò chủ đạo. Cùng với đó, Mỹ cũng tăng cường quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - một “mắt xích” quan trọng trong định hình cấu trúc an ninh khu vực.
Tổng thống J.Biden cho rằng: "Trong thế kỷ XXI, tương lai của nền kinh tế toàn cầu sẽ phần lớn được viết ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. IPEF là một cam kết hợp tác của những người bạn và đối tác thân thiết trong khu vực để ứng phó những thách thức quan trọng nhất, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng và mang lại lợi ích cụ thể cho người dân trong khu vực".
Với quy mô đóng góp lên tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, IPEF sẽ tập trung vào 4 trụ cột: Thương mại công bằng và linh hoạt; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch; ngăn chặn trốn thuế và chống tham nhũng. Tuy nhiên, các nước thành viên không nhất thiết phải tham gia tất cả các trụ cột, mà có thể lựa chọn tham gia vào một số lĩnh vực nhất định của khuôn khổ này.
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng trong khu vực cũng như trên toàn cầu, IPEF ưu tiên theo đuổi các quy tắc tiêu chuẩn cao trong nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm các tiêu chuẩn về các luồng dữ liệu xuyên biên giới và các biện pháp hạn chế dữ liệu, đồng thời giải quyết các quan ngại về quyền riêng tư trên mạng internet và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách phi đạo đức. Bên cạnh đó, IPEF cũng nỗ lực đạt được các cam kết đầu tiên nhằm dự đoán và ngăn chặn tốt hơn sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng.
Về lĩnh vực năng lượng sạch, IPEF sẽ tăng cường hợp tác về công nghệ và huy động tài chính, bao gồm cả tài trợ ưu đãi, thông qua việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Mục tiêu 13 thành viên IPEF đề ra phù hợp với các điều khoản của Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21). Trong đó, từ nay tới năm 2050, các nước nỗ lực giảm tối đa lượng khí thải carbon, hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình của trái đất không vượt quá 1,5% độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Để ngăn chặn hành vi trốn thuế và chống tham nhũng, IPEF dự định đàm phán và ban hành các chế độ thuế, chống rửa tiền và chống hối lộ, phù hợp với các nghĩa vụ đa phương hiện có nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng. Các điều khoản này sẽ bao gồm trao đổi thông tin thuế, hình sự hóa hối lộ theo các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc...
Với những mục tiêu đã đề ra, khuôn khổ hợp tác mới IPEF được kỳ vọng sẽ giúp các nước cùng nhau “chuẩn bị cho tương lai các nền kinh tế” sau những đứt gãy từ đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.