Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng rác thải - Vấn đề nhức nhối toàn cầu

Theo Tin Tức| 26/04/2019 09:31

Khủng hoảng rác thải toàn cầu một lần nữa lại nóng lên sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 23-4 cảnh cáo “chiến tranh” với Canada vì rác.

Trẻ em thu lượm chai nhựa tại Vịnh Manila, Philippines. Ảnh: Reuters


Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ gửi trả Canada 103 container chứa 2.450 tấn rác đưa đến Philippines trong năm 2013-2014. Nhà lãnh đạo Philippines cho Canada một tuần để giải quyết vấn đề. Tổng thống Duterte nói: “Tôi không thể hiểu tại sao họ lại biến Philippines thành bãi rác. Số rác này cần phải đưa về nhà”.

Các container được dán nhãn là nhựa hoặc đồ tái chế nhưng các nhà điều tra Philippines phát hiện rằng chúng hoàn toàn không thể tái chế. 5 năm sau khi từ Canada đến Philippines, những container này vẫn nằm im lìm tại cảng Manila. Đại sứ quán Canada tại Manila trong ngày 24-4 khẳng định cam kết giải quyết vấn đề này. 

Từ năm 1989, Liên hợp quốc (LHQ) đã đưa ra Công ước Basel về kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và việc loại bỏ chúng. Tất cả các quốc gia thành viên LHQ đều phê chuẩn công ước này, trừ Mỹ và Haiti.

Công ước Basel đề nghị cấm vận chuyển rác thải từ các quốc gia phát triển tới những quốc gia nghèo và đang phát triển vốn đang loay hoay với nạn rác trong nước.

Gần đây, có nghi ngờ rằng những nước giàu thường mượn cớ “tái chế” khi chuyển rác tới nước thứ hai để tránh Công ước Basel. Đã có 3/4 các bên tham gia ký sửa đổi bổ sung với Công ước Basel, nhưng Canada và 24 nước khác vẫn chưa đặt bút ký.

Kênh RT (Nga) cho biết, Canada có cơ hội thể hiện cam kết với Công ước Basel trong hội nghị sắp tới tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 29-4.

Chai nhựa trong quá trình tái chế. Ảnh: Reuters


Ấn Độ và Trung Quốc đang đi tiên phong trong ngăn chặn tình trạng nhập khẩu rác thải nhựa rắn. Năm 2018, Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách ngừng nhận rác thải nhựa có thể tái chế từ các quốc gia phương Tây. Trong năm đầu tiên áp dụng hạn chế nhập khẩu mới này, số rác thải nhựa đến Trung Quốc đã giảm tới 99%.

Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản là những nhà xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất tới Trung Quốc. Khi Bắc Kinh ra quy định khắt khe hơn, những quốc gia này buộc phải tìm kiếm địa điểm khác để gửi rác thải nhựa.

Theo RT, số rác Anh xuất khẩu đến Malaysia đã tăng gấp 3 và gấp 50 lần đối với Thái Lan. Mỹ cũng “gửi” tới Malaysia 195.444 tấn rác trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7-2018.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ là minh chứng cho thấy nhập khẩu rác thải là không bền vững. Do vậy, Thái Lan và Malaysia cũng tuyên bố lệnh cấm, không muốn trở thành nơi nhận rác thải nhựa của thế giới.

Giải pháp ngắn hạn cho các quốc gia phương Tây là tìm kiếm thị trường thay thế, nhưng giải pháp dài hạn, theo lời Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove chính là “ngừng đưa rác ra khơi”.

Trong khi nhiều người dân ở các quốc gia phương Tây cho rằng rác thải nhựa mà họ phân loại khi đưa đến nước khác sẽ được tái chế hợp lý, nhưng thực tế lại không như vậy. Tổ chức phi lợi nhuận Greenpeace trong năm 2018 đã điều tra và phát hiện rằng số rác gửi tới Malaysia để tái chế trên thực tế lại bị đốt (gây ô nhiễm không khí) hoặc vứt bỏ.

Nhiều chuyên gia cho biết, vấn đề thực sự nằm ở việc sản xuất quá nhiều đồ nhựa. Nhiều quốc gia trên thế giới đang theo chủ trương giảm sản xuất nhựa không cần thiết.

Ngoài việc cấm nhập khẩu rác thải nhựa, Ấn Độ đã đặt mục tiêu đến năm 2022 nói không với nhựa dùng một lần. Liên minh châu Âu trong năm 2018 đã cấm một số vật dụng nhựa sử dụng một lần như ống hút, que bông ngoáy tai…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng rác thải - Vấn đề nhức nhối toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.