(HNM)- Những ngày qua, Ai Cập tiếp tục lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng. Trong khi những bất đồng, mâu thuẫn nội bộ chưa có dấu hiệu lắng dịu thì những diễn biến mới nảy sinh đã khiến dư luận thực sự lo ngại.
Thủ đô Cairo lại chìm trong bạo lực. |
Theo đó, từ ngày 25-10, với tên gọi "Ngày thứ Sáu từ Suez đến Jerusalem", Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL), lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) dẫn đầu và quy tụ 34 chính đảng cũng như phong trào ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi, đã phát động cuộc biểu tình mới. NASL cho biết, cuộc biểu tình nhằm ủng hộ "tính độc lập của ngành tư pháp" với cáo buộc chính phủ lâm thời can thiệp thô bạo vào công việc của ngành tư pháp. NASL cũng kêu gọi những người ủng hộ tham gia các cuộc biểu tình lớn với tên gọi "chống đảo chính quân sự đẫm máu" vào ngày 4-11 tới, thời điểm sẽ diễn ra phiên tòa xét xử ông M.Morsi và một số thủ lĩnh của MB.
Ngay sau khi phát động, tất cả các vùng miền ở quốc gia Bắc Phi này đã rung chuyển. Tại thành phố kênh đào Suez, khoảng 4.000 người Hồi giáo đã xuống đường và đụng độ với cảnh sát. Còn tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập, bên bờ Địa Trung Hải, khoảng 1.000 người ủng hộ ông M.Morsi đã phong tỏa tuyến đường ven biển phản đối quân đội và cảnh sát. Ở thủ đô Cairo, những người ủng hộ ông M.Morsi cũng đã tuần hành đến Dinh tổng thống Al-Qobba tại quận Heliopolis. Trong một diễn biến mới, ngày 30-10, Hiệu trưởng Trường Đại học Al-Azhar, một cơ sở thuộc nhà thờ Al-Azhar có quyền năng cao nhất trong dòng Hồi giáo Sunni ở Ai Cập đã phải cầu cứu cảnh sát chống bạo động khi khoảng 2.500 sinh viên đã phong tỏa một tuyến đường chính nối với sân bay quốc tế Cairo, đòi lật đổ "chính quyền quân sự" và phục chức cho ông M.Morsi. Ít nhất 25 người đã bị bắt sau khi hàng trăm sinh viên xông vào Trường Đại học Al-Azhar, hủy hoại máy tính, tài liệu và các tài sản khác…
Trước làn sóng phản đối chính quyền quân sự, Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem el-Beblawi đã xoa dịu công chúng khi tuyên bố không muốn quốc gia Bắc Phi trở thành nhà nước quân sự và chính quyền cam kết thực hiện lộ trình chuyển tiếp chính trị và sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn vào năm 2014. Tuy nhiên, theo giới phân tích, những gì chính quyền Cairo đã và đang làm hiện nay không mang đến sự tin tưởng cho người dân. Hình ảnh Tướng Abdel-Fatah El-Sisi, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, xuất hiện mọi nơi đã khiến dư luận bàn tán rằng, cuộc đảo chính lật đổ ông M.Morsi chỉ là màn dạo đầu của một kịch bản có sẵn để Tướng Abdel-Fatah El-Sisi vào chức tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.
Trong khi đó, với cáo buộc MB phá hoại các nỗ lực nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay, chính quyền Cairo đã tạo nhiều áp lực lên MB, quyết đẩy tổ chức này khỏi hệ thống chính trị của Ai Cập. Ngày 30-10, chính quyền đã bắt giam Phó Chủ tịch đảng Tự do và Công lý Essam El-Erian thuộc MB. Theo thống kê, kể từ khi chính biến nổ ra (ngày 3-7) đến nay, hàng loạt thủ lĩnh tối cao và khoảng 3.000 thành viên của MB đã bị bắt giữ. Dự kiến, ông E.El-Erian sẽ phải hầu tòa vào ngày 4-11 tới cùng ông M.Morsi và 12 thủ lĩnh cấp cao khác của MB với tội danh kích động, tra tấn và sát hại người biểu tình.
Ra đời năm 1928, MB được xem là một trong những phong trào Hồi giáo có ảnh hưởng trong thế giới Arab với nhiều triệu thành viên và là tổ chức lớn mạnh nhất tại nhiều quốc gia Arab. Trong lịch sử hơn 80 năm tồn tại, MB từng nhiều lần bị tẩy chay khỏi đời sống chính trị do tư tưởng cực đoan. Tại Ai Cập, dưới chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, giới lãnh đạo của MB thường xuyên đối mặt với tù tội và bị giam giữ nhưng tổ chức này vẫn phát triển mạnh. Với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử đầu tiên thời hậu "Mùa xuân Arab", MB nắm giữ vai trò lãnh đạo Ai Cập với việc ông M.Morsi, một thành viên của phong trào, đắc cử Tổng thống. Thế nhưng, cuộc chính biến ngày 3-7, đã khiến Tổng thống dân cử đầu tiên M.Morsi bị lật đổ đẩy quốc gia Bắc Phi này vào một cuộc khủng hoảng mới.
Với những gì đang diễn ra tại Ai Cập, dư luận lo ngại rằng, quốc gia Bắc Phi này sẽ bị cuốn vào một vòng xoáy mới. Vì, không dễ gì MB lại dễ dàng từ bỏ quyền lực, hay khuất phục nhanh chóng. Sự kiện MB tiếp tục kêu gọi các cuộc biểu tình là dễ hiểu. Xung đột gay gắt giữa MB và quân đội Ai Cập đã và đang đe dọa nhấn chìm mọi hy vọng về một giải pháp thúc đẩy tiến trình chuyển giao và thiết lập trật tự ở một quốc gia cửa ngõ của Lục địa đen.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.