Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng chính trị ở Ukraine: Hồi kết khó đoán định

Quỳnh Chi| 21/02/2014 07:15

(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần 3 tháng qua tại Ukraine lại vừa tiến thêm một nấc thang căng thẳng mới khi các cuộc biểu tình biến thành bạo động lan rộng khắp thủ đô Kiev.


Mặc dù trước đó, các bên đã đạt được thỏa thuận "đình chiến" vào đêm 19-2 sau khi 28 người thiệt mạng và 287 người khác bị thương. Tuy nhiên, trong bối cảnh lập trường các bên liên quan còn quá nhiều khác biệt thì bạo lực có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Căng thẳng vẫn tiếp diễn tại Quảng trường Độc lập bất chấp thỏa thuận “đình chiến” có hiệu lực.



Bằng chứng là ngay thời điểm "đình chiến" có hiệu lực, cuộc chiến đường phố giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh Ukraine vẫn tiếp diễn. Ngày 20-2, hàng trăm người có vũ trang đã tấn công hàng rào cảnh sát tại Quảng trường Độc lập và giành quyền kiểm soát hầu hết khu vực họ chiếm giữ kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng. Cảnh sát đã buộc phải bắn đạn cao su để đẩy lui vụ tấn công. Người biểu tình đáp trả bằng gạch, đá lát đường và bom xăng... Cơ quan An ninh Ukraine cho biết, người biểu tình đã chiếm giữ trên 1.500 khẩu súng và cho rằng hành động như vậy của "các nhóm cực đoan" đang đe dọa mạng sống của hàng triệu người Ukraine. Đây là lý do cơ quan an ninh Ukraine buộc phải triển khai khẩn cấp chiến dịch "chống khủng bố" trên toàn quốc. Tổng thống Viktor Yanukovych cũng đã bổ nhiệm Tổng Tham mưu trưởng quân đội mới như một chỉ dấu quân đội Ukraine sẽ "vào cuộc".

Cùng với những căng thẳng leo thang trong nội bộ Ukraine, cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa phương Tây và Nga tại quốc gia bên bờ Biển Đen ngày càng hiện rõ. Ngày 19-2, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Mỹ tại Mexico, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi các lực lượng vũ trang Ukraine nên đứng ngoài cuộc xung đột và cảnh báo "sẽ có hậu quả" cho những ai "bước qua ranh giới này". Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen cũng lên tiếng rằng, quan hệ NATO - Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nếu quân đội Ukraine can thiệp. Ngay trong ngày 20-2, Ngoại trưởng Đức, Pháp, Ba Lan cũng đã tới Kiev để "đánh giá tình hình" trước một cuộc họp của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm quyết định có trừng phạt Ukraine hay không…

Nguyên nhân chính khởi phát cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ukraine được cho là do Tổng thống V.Yanukovych đã từ chối ký Hiệp định liên kết với EU và quay sang hợp tác với Nga. Đây là một cú giáng mạnh vào nỗ lực "Đông tiến" mà EU luôn theo đuổi kể từ sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Tuy nhiên, trong cuộc đọ sức EU - Nga tại Ukraine, vấn đề kinh tế đóng vai trò quyết định. Do vậy, dù Hiệp định liên kết với EU có đưa ra viễn cảnh viện trợ cho Kiev 610 triệu euro (khoảng 800 triệu USD), song với một Ukraine đang khó khăn như hiện nay, số tiền này chỉ là muối bỏ bể. Ngoài ra, để được nhận tiền, Kiev còn phải thực hiện một chương trình thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề ra. Như vậy, so với "món quà" từ láng giềng Nga - gồm 15 tỷ USD viện trợ và giảm 30% giá khí đốt thì lựa chọn Mátxcơva của Tổng thống V.Yanukovych là một bước đi khôn ngoan.

Thế nhưng, trước nguy cơ bị đẩy bật khỏi cuộc chơi địa chiến lược tại không gian hậu Xô Viết đã buộc Châu Âu phải "hành động". Một trong những chiến thuật cổ điển mà EU sẽ tung ra là áp đặt các lệnh trừng phạt để gia tăng sức ép quốc tế lên Tổng thống V.Yanukovych - vốn đang bị phe đối lập trong nước tìm cách lật đổ. Điều này dự báo sẽ chỉ khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine thêm nghiêm trọng.

Vấn đề thực sự hiện nay của Ukraine nằm ở chỗ, nước này vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để hàn gắn những vết thương, cân bằng quan hệ Nga - EU, để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn và thoát khỏi những mâu thuẫn chính trị. Nhiều người cho rằng, người biểu tình sẽ hài lòng khi đạt được mục tiêu bầu cử tổng thống sớm. Song, điều này không hoàn toàn như vậy. Trước tiên, tình hình Ukraine hiện nay rất phức tạp để có thể tổ chức bầu cử và thứ đến là kết quả bầu cử nào cũng sẽ bị thách thức nếu không thỏa mãn phe đối lập. Trong khi đó, một cuộc thăm dò dư luận công bố gần đây nhất cho thấy, nếu tổ chức bầu cử tổng thống ngay, ông V.Yanukovych sẽ giành thắng lợi với 19,8% phiếu bầu, về sau ông là các thủ lĩnh đối lập Vitali Klitschko (19,1%), Yasenia Yatsenyuk (6,3%), và tỷ phú Piotr Poroshenko (10,5%). Phe đối lập Ukraine có chấp nhận một kết quả bầu cử bất lợi hay không thì chẳng ai dám khẳng định?

Tất cả những gì đang diễn ra tại đất nước từng rất thanh bình bên bờ Biển Đen còn cho thấy: Chừng nào Nga và phương Tây chưa thỏa hiệp thì cuộc khủng hoảng chính trị tại đất nước hơn 46 triệu dân này sẽ khó đi đến một hồi kết có hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng chính trị ở Ukraine: Hồi kết khó đoán định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.