Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu vực Eurozone suy giảm kinh tế: Đối mặt thêm nhiều thách thức

Quỳnh Dương| 31/07/2016 06:16

(HNM) - Đà phục hồi mong manh của nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đang đứng trước nhiều thách thức vì những khó khăn không ngừng ập xuống.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Eurostat, tốc độ tăng trưởng kinh tế của 19 nước Eurozone trong quý II-2016 giảm một nửa so với quý I-2016, chỉ đạt 0,3%. Tây Ban Nha là nước duy nhất trong khu vực có mức tăng trưởng 0,7%, bất chấp tình hình chính trị bất ổn trong nước. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai trong Eurozone là Pháp, lại "dậm chân tại chỗ" ở mức 0%. Tăng trưởng hoạt động kinh doanh của Eurozone trong tháng 7-2016 cũng ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015. Cụ thể, chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của Markit đã giảm xuống còn 52,9 trong tháng 7-2016, từ mức 53,1 trong tháng 6-2016. Kinh tế tăng trưởng chậm ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong việc kéo lạm phát xuống dưới mục tiêu dài hạn 2% nhằm giữ cho nền kinh tế khu vực đủ "mạnh khỏe".

Khủng hoảng di cư là một nguyên nhân ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Eurozone.


Xu hướng giảm này sẽ còn kéo dài do ảnh hưởng của sự kiện nước Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Với vai trò là một “mắt xích” quan trọng trong bộ máy của EU, nền kinh tế lớn thứ ba châu lục, trung tâm tài chính số 1 của Lục địa già, sự ra đi của xứ Sương mù sẽ để lại khoảng trống không nhỏ. Đồng thời, những rào cản được tạo ra từ Brexit sẽ tác động đến các hoạt động thương mại, đầu tư..., và điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực trong thời gian dài đối với nền kinh tế Châu Âu. Các nhà phân tích cho rằng, những bạn hàng “thân thiết” của nước Anh như Bỉ, Ireland, Hà Lan, Đức, Pháp sẽ gánh nhiều thiệt hại nhất. Trong đó, cán cân thương mại của Đức đối với Anh có thể bị giảm 6,8 tỷ euro/năm. Ngành Công nghệ ô tô của Đức cũng thất thu gần 2 tỷ euro. Trong khi đó, tổn thất đối với các doanh nghiệp Pháp là khoảng hơn 3 tỷ euro/năm.

Trong các yếu tố cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế Eurozone không thể không nói đến cuộc khủng hoảng di cư mà Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo còn tồi tệ hơn cả “bão nợ công” nếu các nước không hành động. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đối với nhiều thành viên EU, chi phí để đối phó với làn sóng người nhập cư là một gánh nặng đáng kể. Chỉ riêng Đức đã dành 6 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn trong năm nay. Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) ước tính, khoản tài chính mà quốc gia này phải bỏ ra để giải quyết vấn đề nêu trên trong hai năm tới sẽ lần lượt lên đến 10 tỷ và 12 tỷ euro. Bên cạnh đó, việc hàng nghìn người tị nạn đổ về châu lục này sẽ "bào mòn" hệ thống an sinh xã hội vốn được đóng góp bởi người dân bản địa để dành cho y tế, hỗ trợ thất nghiệp, lương hưu và giáo dục.

Đáng ngại là, thỏa thuận giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hạn chế dòng người di cư đổ vào Lục địa già đang đứng trước triển vọng không mấy tốt đẹp. Sau khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành tại quốc gia nằm trên hai lục địa Á - Âu hôm 15-7, chính quyền Ankara cáo buộc EU không giữ đúng cam kết chuyển 3 tỷ euro đã hứa cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, EU cảnh báo có thể ngừng các cuộc đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh nếu Ankara khôi phục án tử hình và tiếp tục chiến dịch trấn áp, thanh trừng hậu đảo chính. Nếu thỏa thuận đổ vỡ, Châu Âu sẽ một lần nữa có thể phải đối mặt với lượng lớn người di cư đổ về.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát (năm 2008), Châu Âu chưa có lúc nào được thảnh thơi. Gần đây, những vụ tấn công khủng bố ngày càng gia tăng cũng đòi hỏi các quốc gia trong khu vực phải chi những khoản tài chính lớn cho vấn đề bảo đảm an ninh. Thúc đẩy tăng trưởng trong lúc phải đối mặt với nhiều trở ngại là một thử thách đối với các nhà lãnh đạo Eurozone.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khu vực Eurozone suy giảm kinh tế: Đối mặt thêm nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.