Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp

Thanh Tàu| 06/03/2023 07:48

(HNM) - Ngành Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cần nhân lực đã qua đào tạo. Trước đòi hỏi này, nhiều trường đại học khu vực phía Nam đã nắm bắt nhu cầu, tuyển sinh và đào tạo nhiều sinh viên chuyên ngành Nông nghiệp, cung ứng nhân lực cho địa phương.

Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh thực hành tại doanh nghiệp về nuôi trồng thủy sản.

Nghịch lý việc chờ người

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Toàn vùng hiện có khoảng 10 triệu lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 14,9%; tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước.

Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học An Giang là các địa chỉ đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp ngay tại vùng. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, các trường đại học Công nghiệp thực phẩm, Đại học Nông Lâm cũng đào tạo nhiều chuyên ngành khoa học nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các trường này đều gặp khó trong khâu tuyển sinh. Một trong những nguyên nhân là thí sinh lo ngại khi học xong chỉ có thể làm việc ở vùng nông thôn.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đang xảy ra nghịch lý đối với nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều sinh viên sau khi ra trường chỉ muốn tìm việc tại thành phố, dù trái ngành trái nghề, bởi cho rằng có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tốt hơn. “Trong khi đó, thị trường lao động tại các địa phương Vùng đồng bằng sông Cửu Long là nơi có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng thủy sản... đang cần rất nhiều lao động đã qua đào tạo…”, Tiến sĩ Thái Doãn Thanh thông tin.

Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho biết, hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long gắn với 3 “biến”, đó là biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến đổi của xu thế tiêu dùng. Do đó, các địa phương trong vùng rất cần nhân lực có trình độ để góp phần thay đổi phương thức canh tác sang hướng thích ứng với thiên nhiên và biến đổi khí hậu; tận dụng được cả nước mặn, nước lợ, nước ngọt vào sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi vật nuôi cây trồng phù hợp; tăng cường chế biến sâu nông sản và tăng cường sản xuất nông thủy sản chất lượng cao.

Đổi mới đào tạo, tăng cường liên kết

Theo các chuyên gia, để giải bài toán "khát" nhân lực này, cần tăng cường đổi mới đào tạo, liên kết với các doanh nghiệp, từ đó mới thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh thông tin, các chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế, cập nhật theo hướng đáp ứng yêu cầu của các bộ tiêu chuẩn chất lượng chương trình đào tạo và nhu cầu của xã hội.

“Với mục tiêu bảo đảm sinh viên ra trường có thể làm việc ngay trong môi trường chuyên nghiệp, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, chúng tôi sẵn sàng liên kết với các địa phương, doanh nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long đào tạo, cung ứng nhân lực theo nhu cầu”, Tiến sĩ Trần Đình Lý chia sẻ.

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển nông dược, Công ty Syngenta Việt Nam Phạm Huy Thắng chia sẻ, Syngenta đang hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, thiết lập yếu tố tiên quyết là “con người” trong phát triển ngành Nông nghiệp hiện đại. Ðây là bước tiến để Syngenta và các trường đồng hành, gắn kết lâu dài, chặt chẽ trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Nông nghiệp Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ chú trọng đào tạo trong nước, nhiều trường đại học còn tăng cường liên kết quốc tế để đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), nhà trường đang đầu tư nhân lực chuyên môn và trang bị thiết bị mới về nông nghiệp; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu thiết bị để hỗ trợ việc tiếp cận và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện trao đổi sinh viên với các nước có nền nông nghiệp phát triển…, góp phần đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao không chỉ cho An Giang, mà còn cho cả Vùng đồng bằng sông Cửu Long.

“Giai đoạn 2021-2027, nhà trường triển khai dự án “Tăng cường giáo dục đại học ngành Nông nghiệp tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh” với kinh phí 9,09 triệu USD từ nguồn vốn tài trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc. Mục tiêu của dự án nhằm đào tạo chuyên môn ở trình độ sau đại học. Các cán bộ chuyên ngành Nông nghiệp và liên quan được cử đi đào tạo tại Khoa Nông nghiệp và Khoa học đời sống thuộc Đại học Quốc gia Seoul - Hàn Quốc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường đào tạo nhân lực ngành Nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.