(HNM) - Trong những ngày qua, cùng với cả nước, cán bộ và nhân dân Hà Nội sôi nổi đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhiều hội nghị được tổ chức, hàng nghìn lượt ý kiến đã được ghi nhận. Các ý kiến đóng góp không chỉ thể hiện trình độ, trí tuệ mà còn cho thấy tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ và nhân dân Thủ đô trước công việc hệ trọng của đất nước.
Nền tảng là khối đại đoàn kết dân tộc
Các hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Hà Nội đã diễn ra hết sức dân chủ, công khai, minh bạch. Các ý kiến được nêu ra nhiều chiều, nhiều vấn đề còn có tranh luận.
Một trong những nội dung được quan tâm và cho ý kiến nhiều nhất là Điều 4 Dự thảo quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Có thể nói, cán bộ và nhân dân Thủ đô đã có tiếng nói đồng thuận rất cao về vấn đề này. Các ý kiến đều bảo vệ quan điểm, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là sự bảo đảm cho tương lai ổn định và phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, về nội dung Điều 2 (Chương I: Chế độ chính trị) cũng được cán bộ, nhân dân Thủ đô quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng nên sửa nội dung "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" thành "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết dân tộc, nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức". Ông Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội phân tích, "đại đoàn kết dân tộc là rất quan trọng, là cốt lõi của dân tộc Việt Nam". Nêu như vậy vừa phù hợp, vừa động viên được sức mạnh toàn dân rất cần thiết cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta hiện nay. Cùng suy nghĩ này, ông Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ tịch Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: "Hiện nay, chúng ta cần huy động mọi tầng lớp nhân dân, kể cả Việt kiều, đóng góp sức lực của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước".
Không cầu toàn nhưng không xa rời mục đích
Cùng tham dự hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do thành phố Hà Nội tổ chức, với tư cách nguyên lãnh đạo thành phố và công dân Thủ đô, GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, cần phải hiểu sâu mục đích, ý nghĩa và tính chất năm 1992. Trước hết, khi góp ý cần phải đặt nhiệm vụ xây dựng Hiến pháp trong bối cảnh của đất nước. Chúng ta đã bước vào thời kỳ phát triển với mục đích, yêu cầu cao. Hiến pháp là cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thực hiện được các mục đích, yêu cầu đó. Vấn đề đặt ra là Hiến pháp phải ưu tiên giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ để phát triển. "Việc góp ý phải làm sao để Hiến pháp mới ra đời sẽ tạo điều kiện cho xã hội phát triển vững chắc, trên cơ sở đồng thuận và ổn định chính trị. Nếu thoát ly điều này, toàn bộ mục tiêu sẽ khó thực hiện." - GS, TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh. Theo ông, Hiến pháp được xây dựng trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, từng bước hoàn thiện thiết chế chính trị nên đây chưa phải là Hiến pháp cuối cùng, vì thế cũng không thể cầu toàn.
Trong khi đó, phát biểu với cán bộ và nhân dân Thủ đô, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu đề nghị, với lợi thế là nơi quy tụ đông nhất các nhà khoa học, chuyên gia, Hà Nội cần đi đầu trong việc đưa đợt sinh hoạt chính trị quan trọng này xuống từng gia đình. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ, việc xây dựng Hiến pháp lần này dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện Hiến pháp năm 1992, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa của Đảng (bổ sung, hoàn thiện năm 2011), kế thừa phát huy các Hiến pháp trước đây, tiếp thu kinh nghiệm lập hiến của các nước nhưng phù hợp với hoàn cảnh nước ta.
Được biết, Hà Nội sẽ báo cáo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đúng như yêu cầu về thời hạn, muộn nhất là ngày 31-3. Tuy nhiên, thành phố vẫn tiếp tục tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp, báo cáo ý kiến đóng góp sau ngày này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.