Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không uống rượu, bia trong giờ làm việc: Những chuyển biến bước đầu!

Nhóm phóng viên| 18/11/2020 19:04

(HNMO) - Từ ngày 15-11, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập bị phạt 1-3 triệu đồng... chính thức có hiệu lực. Phóng viên Báo Hànộimới đã khảo sát thực tế tại một số cơ quan, công sở trên địa bàn Hà Nội, ghi nhận việc quán triệt thực hiện Nghị định.

 Tại phường Thịnh Liệt, phóng viên quan sát và không ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu đã uống bia, rượu.

Phân công trách nhiệm cho tổ giám sát

Đầu giờ chiều 17-11, khảo sát thực tế tại trụ sở UBND phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) phóng viên nhận thấy toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động đều đeo thẻ khi làm việc. Tại bộ phận một cửa, người dân đến chứng thực và làm các thủ tục hành chính đều được cán bộ tiếp đón chu đáo, hướng dẫn cụ thể. Quan sát thêm một số phòng ban, phóng viên nhận thấy không có tình trạng cán bộ làm việc mà có biểu hiện sử dụng rượu, bia.

Trao đổi với bà Trần Thị Minh Vân, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy, được biết: Trước thời điểm Nghị định 117/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, tại các buổi giao ban cơ quan, lãnh đạo UBND phường đã tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, viên chức không được uống rượu, bia trong giờ làm việc. Để giúp cán bộ, viên chức chấp hành nghiêm quy định, sáng 16-11 lãnh đạo UBND phường đã giao nhiệm vụ cho văn phòng UBND chịu trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành Nghị định của Chính phủ 2 lần/ngày.

Tương tự, tại trụ sở UBND phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), trong vai trò một công dân đến làm giấy tờ tại bộ phận một cửa, phóng viên quan sát kỹ nhưng không ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu đã uống bia, rượu trước khi đến trụ sở làm việc. Tìm hiểu phóng viên được biết, thời gian qua, toàn thể cán bộ, viên chức làm việc tại UBND phường luôn chấp hành nghiêm Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) Trịnh Văn Quang, ngay sau khi Chỉ thị 26/CT-TTg có hiệu lực thi hành, UBND phường Thịnh Liệt đã có Quyết định số 243/QĐ-UBND về việc ban hành quy định cấm hút thuốc và sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn trong cơ quan. Nhờ việc giám sát, kiểm tra thường xuyên của văn phòng nên từ lãnh đạo đến cán bộ, người lao động đều nghiêm túc chấp hành, không hút thuốc, sử dụng bia, rượu trong giờ hành chính.

“Để Nghị định 117/NĐ-CP phát huy hiệu quả, tại buổi giao ban ngày 16-11, lãnh đạo UBND phường tiếp tục thông báo và yêu cầu toàn thể cán bộ UBND, nhất là bộ phận một cửa nghiêm túc chấp hành, nếu phát hiện vi phạm, sẽ xử phạt theo quy định”, ông Trịnh Văn Quang cho biết.

Rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức

Ghi nhận tại trụ sở UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), tại các bảng tin của phường đều có niêm yết nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, kể cả vào bữa ăn giữa hai ca trong ngày làm việc và ngày trực. Theo Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) Nguyễn Cảnh Quang, Nghị định đã quy định rõ người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng khi không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong đơn vị. Do vậy, bản thân lãnh đạo phải là người giao việc, giám sát sát sao nhất để cấp dưới tuân thủ đúng quy định.

Tương tự, tại trụ sở Công an phường Quảng An (quận Tây Hồ), các thông báo về việc nghiêm cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc được dán công khai tại trụ sở, đăng trên nhóm Zalo. Đặc biệt, theo Trung tá Đặng Văn Dương, Trưởng Công an phường Quảng An (quận Tây Hồ), với vai trò là người đứng đầu đơn vị, Trưởng công an phường đã yêu cầu tất cả cán bộ, chiến sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định không được uống rượu, bia khi làm việc, đồng thời, phải thực hiện tác phong làm việc nghiêm túc. Nếu phát hiện vi phạm, lãnh đạo hay cán bộ, chiến sĩ đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định nội bộ, đồng thời bị phạt tiền ở mức cao nhất theo quy định.

Được biết, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức tập huấn để triển khai Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Các thành phần tham gia gồm lãnh đạo các phòng ban, lãnh đạo các xã, phường, được giải đáp cụ thể việc thực hiện quy định, đồng thời được cung cấp thêm thông tin, kiến thức, kỹ năng về xử phạt vi phạm hành chính mà Nghị định đưa ra. Các quy định cụ thể của Nghị định cũng được tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa truyền thanh; trên các website, hệ thống Zalo của các quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhằm quán triệt nội dung của Nghị định đến các tầng lớp nhân dân một cách hiệu quả nhất.

UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) niêm yết quy định không uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc.

Mức phạt nặng, nhiều người nghiêm túc chấp hành

Anh Nguyễn Ngọc Trường, người dân ở phố Đoàn Thị Điểm, phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) cho biết, tại các bảng tin của phường đều dán thông báo yêu cầu cán bộ phường không được uống rượu, bia, nhất là tại bộ phận một cửa. "Tôi cho rằng việc thực hiện quy định ở phường rất nghiêm túc, thể hiện sự kiên quyết của chính quyền phường đối với việc chấp hành quy định của Chính phủ", anh Trường nhận xét.

Khảo sát thực tế việc sử dụng rượu, bia tại các nhà hàng, quán bia phục vụ buổi trưa trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy... cho thấy, mặc dù vẫn còn những tiếng cười nói cụng ly chúc tụng nhau nhưng tình trạng cán bộ, công chức uống rượu, bia đã giảm rất nhiều. 

Tại quán bia Thu Hằng (phường Phạm Đình Hổ), quán bia số 2B Hoa Lư, phường Lê Đại Hành và một số địa chỉ "nhậu" khác thuộc quận Hai Bà Trưng, số khách hàng là người đi làm việc tại cơ quan, công sở giảm đáng kể. Anh Phạm Tiền Phong, ngõ 279 Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Công ty nghiêm cấm để mặt đỏ hay nói chuyện có hơi men khi làm việc, nếu phát hiện sẽ phạt nặng từ 1-3 triệu đồng, hạ điểm thi đua. Do vậy, chúng tôi từ bỏ hoàn toàn các cuộc nhậu trưa, nếu có việc phải liên hoan hay tiệc tùng thì sắp xếp vào buổi chiều hoặc cuối tuần, ngày nghỉ”.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện Nghị định số 117/2020/NĐ-CP tại các cơ quan, công sở cho thấy sự nghiêm túc chấp hành thực hiện quy định của các cán bộ, công chức, người lao động. Mong rằng đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp để hạn chế tình trạng uống rượu, bia tràn lan, gây nên những hệ lụy đáng tiếc trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không uống rượu, bia trong giờ làm việc: Những chuyển biến bước đầu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.