Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể thờ ơ!

Nữ Quỳnh| 19/04/2011 06:07

(HNM) - Thông tin xôn xao dư luận mấy ngày qua là việc cơ quan chức năng Bộ Công an cho biết, đã phát hiện tới 4.331 giấy phép lái xe giả trong năm 2010. Chưa hết, tỉnh Sóc Trăng vừa có đợt kiểm tra bằng cấp của cán bộ, viên chức địa phương, đã phát hiện 282 trường hợp sử dụng văn bằng bất hợp pháp, 40% số này công tác trong ngành giáo dục.


Thực tế còn có rất nhiều loại giấy tờ chứng thực khác bị làm giả dễ mua như mớ rau ngoài chợ gồm: chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giấy chứng nhận sức khỏe... Từ rất lâu, dư luận đã phản ứng gay gắt với hiện tượng sử dụng bằng giả. Nhưng dường như chúng ta đang chấp nhận "sống chung". Từ tâm lý sính bằng cấp đến công tác quản lý lỏng lẻo, vô hình trung, cái tờ giấy nhỏ gọi là "bằng" ấy được xem như tờ thông hành bắt buộc trong mọi tình huống tuyển dụng. Đây chính là nguyên nhân quan trọng để bằng giả tồn tại.

Chưa biết con số 4.331 giấy phép lái xe giả nói trên có liên quan như thế nào với con số hàng chục ngàn người mất mạng vì tai nạn giao thông mỗi năm hay không, nhưng sẽ chẳng ai dám khẳng định sẽ có một hệ thống giao thông an toàn khi có ngần ấy con người dùng chứng chỉ giả để được điều khiển phương tiện. Rồi với các lĩnh vực khác, như ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ này nọ… có bằng giả cũng có nghĩa là hợp thức hóa được tiêu chuẩn cán bộ, mà đầu vào không thật thì làm sao có hiệu quả thật. Con số 40% bằng giả ở Sóc Trăng thuộc về ngành giáo dục còn là điều rất đáng suy nghĩ bởi sự giả dối tồn tại ngay trong cả môi trường sư phạm thì hệ lụy sẽ rất nặng nề và kéo dài.

Phía sau những tấm bằng giả là những công bộc không học hành tử tế, thiếu kiến thức, có thể làm sai; sau tờ giấy phép lái xe giả là mối nguy hiểm cho cộng đồng… Tựu trung các loại giả ấy đều gây hại cho xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước. Đáng tiếc là nạn văn bằng, chứng chỉ giả gây nhức nhối từ lâu, song đến nay chúng ta vẫn chưa loại trừ được. Sự thật là chúng ta chưa có (hoặc chưa dám) ứng xử đúng mức, đơn giản ngay từ quan niệm, trách nhiệm kiểm soát cũng như biện pháp xử lý. Trên thực tế, chỉ cần một chút kỹ năng nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn có thể phát hiện một tấm bằng giả, thế mà ngay cả với một số đơn vị chứng thực có khi cũng bỏ lọt, tạo cơ hội cho loại "hàng giả" này nằm hợp pháp trong các bộ hồ sơ. Thậm chí, cứ cho là khó kiểm soát được việc sản xuất văn bằng giả, nhưng xử lý việc dùng văn bằng giả không có lý do gì không làm được. Giả thiết khi phát hiện bằng giả, nếu coi đó là hành vi "sử dụng giấy tờ giả" để xử lý hình sự với người sử dụng chắc chắn sẽ mang tính răn đe cao hơn biện pháp áp dụng hiện nay chủ yếu là thu hồi văn bằng, hoặc có hơn chút cũng chỉ là xử lý hành chính (nếu người sử dụng đang giữ chức vụ). Xử lý không nghiêm, người ta vẫn sẵn sàng sử dụng văn bằng giả. Và còn cầu ắt còn cung.

Không thể thờ ơ hơn nữa. Cơ quan hữu trách phải có thái độ cương quyết xử lý thực trạng không lành mạnh này, trả lại sự trong sạch của các cơ quan công quyền, cũng như sự ổn định, công bằng xã hội. Và cũng cần thay đổi quan niệm với bằng cấp, xem nó là một minh chứng đánh giá trình độ, khả năng con người nhưng đó không thể là tiêu chí tối thượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể thờ ơ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.