(HNM) - Năng suất lao động của Việt Nam thấp không chỉ trên bình diện nền kinh tế mà ngay trong từng ngành, từng lĩnh vực, kể cả những ngành mũi nhọn. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là tiền lương, thu nhập, chế độ đãi ngộ đối với người lao động...
PGS.TS Vũ Quang Thọ. |
Đời sống người lao động rất khó khăn
- Với tư cách nhà nghiên cứu về lao động - tiền lương, ông đánh giá thế nào về thực trạng đời sống của người lao động (NLĐ) với mức lương hiện nay?
- Kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn gần đây cho thấy, đại bộ phận trong số hàng chục triệu công nhân đang sống rất khó khăn. NLĐ không chỉ phải chắt chiu lo tiền ăn, ở, nuôi con mà còn thiếu thốn về văn hóa tinh thần... Trong cơ cấu tiền lương, nhiều người phải chi một khoản không nhỏ cho nhà ở. Nhiều lao động làm trong doanh nghiệp (DN) nhưng vẫn phải làm thêm để có mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Như vậy, sức lao động vẫn bị hao mòn hữu hình... Hiện mức lương tối thiểu của NLĐ Việt Nam mới đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu. Mức lương này chỉ cho người ta tồn tại, còn để làm việc và sáng tạo thì khó đáp ứng được. Thực tiễn cho thấy, nhiều DN chỉ muốn lợi nhuận mà quên đi quyền và lợi ích của người tạo ra lợi nhuận. Đó là hành động "chụp giật", "ăn xổi ở thì". Đây cũng là lối kinh doanh cò con, kiểu của sản xuất nhỏ, kém bền vững, không thể tiến ra "biển lớn" được.
- Thưa ông, mức tăng lương tối thiểu cho NLĐ được tính dựa trên cơ sở nào?
- Tại phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, đại diện tập thể NLĐ sau khi phân tích mọi khía cạnh, mọi cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, chỉ ra những đòi hỏi rất bức xúc, cấp bách của công nhân lao động cả nước, đã xem xét cả những khuyến cáo của Tổ chức ILO tại Việt Nam, quyết định đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về mức tăng lương cho năm 2016 là 16,8%. Những lý và lẽ mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đưa ra để bảo vệ mức đề xuất trên là: Tỷ lệ phần trăm bù trượt giá, tức là bù khi mức giá tiêu dùng ở Việt Nam tăng lên, ăn lạm vào tiền lương thực tế của NLĐ; tỷ lệ phần trăm tăng GDP do tăng NSLĐ; tỷ lệ bù cho mức lương tối thiểu hiện thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu. Cơ cấu 3 thành phần trên trong đề xuất mức lương tối thiểu không ai phủ nhận, bởi nó gần như được "quốc tế hóa".
- Vừa qua, mặc dù Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 là 12,4% nhưng đại diện giới chủ sử dụng lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam vẫn có văn bản kiến nghị việc điều chỉnh mức tăng. Ông nhận định thế nào?
- Với mục tiêu việc làm và tiền lương, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất ở mức đề xuất 12,4%, NLĐ ít nhất cũng đạt được mục tiêu giữ vững việc làm và tạo điều kiện để các DN tạo ra nhiều doanh thu, có cơ hội được tăng lương vào năm tới. Với mức tăng 12,4%, tiền lương tối thiểu mới chỉ đạt hơn 80% nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất mức tăng 12,4%, nhiều hiệp hội ngành hàng đã lên tiếng cho rằng mức tăng lương tối thiểu như vậy là quá cao và đề xuất chỉ dừng ở mức tăng khoảng 6-7%. Bởi vậy theo tôi hiểu, TLĐLĐVN phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi của NLĐ theo mức đề xuất 14,4%. Đây là mức đã hạ so với mức 16,8% ban đầu, có tính đến những khó khăn của DN.
Tạo động lực để tăng năng suất lao động
- Khuyến cáo của các chuyên gia trong và ngoài nước chỉ ra rằng, lương của NLĐ thấp là do NSLĐ thấp. Vì vậy, giới chủ sử dụng lao động không thể tăng lương tối thiểu cao. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Theo tính toán, mức lương phụ thuộc rất căn bản vào NSLĐ, mức giá tiêu dùng và khả năng tăng trưởng GDP. Mặc dù NSLĐ ở Việt Nam vẫn tăng nhưng mức tăng chậm, chủ yếu do tăng nội bộ ngành, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bằng các nguồn lực giá rẻ, giá công lao động thấp. Đến nay, lợi thế này ngày càng giảm khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Sự thấp kém của NSLĐ ở Việt Nam không chỉ trên bình diện nền kinh tế mà ngay trong từng ngành, từng lĩnh vực, kể cả những ngành mũi nhọn. Nhưng khi tiền lương tối thiểu chưa đủ nhu cầu sống tối thiểu thì NLĐ không có động lực tăng NSLĐ và gắn bó với DN. Chúng ta chỉ bàn đến năng suất khi tiền lương được thỏa mãn nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. NSLĐ không chỉ phụ thuộc vào trình độ chuyên môn kỹ thuật mà còn là khoa học - công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến hiện đại áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, còn có yếu tố tài nguyên thiên nhiên, tổ chức lao động... Nếu NLĐ còn đói, mức sống thấp hơn nhu cầu tối thiểu thì không thể đòi hỏi họ cố gắng có tay nghề, kinh nghiệm, sự khéo léo và thái độ phục vụ tốt hơn đối với DN.
- Về phía khu vực hành chính nhà nước thì lương công chức, viên chức (CCVC) cũng rất thấp, có ảnh hưởng gì đến NSLĐ không, thưa ông?
- Chế độ lương CCVC hiện nay lạc hậu, không theo kịp với yêu cầu của xã hội, cộng đồng và việc làm đối với công chức. Ví dụ, một thạc sĩ làm việc 3-4 năm ở một viện nghiên cứu, lương chỉ khoảng 3 triệu đồng. Với mức lương "bèo bọt" như vậy không thể đòi hỏi họ có ý thức cao như: Tinh thần sáng tạo, có trách nhiệm với công việc, gắn bó với cơ quan, tiết kiệm vật tư, tài sản… nên cũng ảnh hưởng lớn đến NSLĐ. Lương thấp nên dễ phát sinh gian lận, tham nhũng và không thể bảo đảm được kỷ cương kỷ luật, giáo dục thái độ ý thức. Lương cơ sở đối với khu vực nhà nước là mức để tính lương theo hệ số cụ thể. Nhưng nếu lấy mức lương cơ sở hiện nay là 1.150.000 đồng/tháng nhân với hệ số áp dụng với cử nhân đại học mới ra trường là 2,34 thì cũng chỉ được gần 2,7 triệu đồng, tương đương với lương tối thiểu vùng 1 của khu vực sản xuất kinh doanh... Cho nên việc chống tham nhũng chỉ có hiệu quả tích cực khi chúng ta giải quyết được nhu cầu sống của CCVC, đặc biệt là những người nắm "mạch máu" kinh tế của Nhà nước. Vì thế, nếu nâng được tiền lương cơ sở cho khu vực CCVC chính là đòn bẩy để tăng NSLĐ.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc kéo lùi lộ trình tăng lương đã quá lâu. Vậy theo ông, vì sao chúng ta lại chậm tăng lương cơ sở cho CCVC?
- Tiền lương cơ sở chính là bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho CCVC nhưng nguồn trả lương hoàn toàn lấy từ ngân sách nhà nước, chứ không phải từ DN như lương tối thiểu vùng. Mặc dù việc bố trí tiền ngân sách để chi lương cho CCVC thời gian gần đây tăng cao nhưng khó tăng mức lương cơ sở. Theo báo cáo Quốc hội về dự toán ngân sách 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết không có nguồn để tăng lương cơ sở trong năm tới. Và như vậy, đây sẽ là năm thứ tư liên tiếp lương cơ sở vẫn ở mức 1.150.000 đồng. Chúng ta luôn cố gắng thực hiện tinh giản biên chế, nhưng cho đến nay bộ máy hành chính vẫn chưa gọn nhẹ, số lượng biên chế ngày càng tăng lên. Nếu điều chỉnh lương cơ sở khi ngân sách không cân đối được thì một là phải tăng nợ công, hai là phải vay để cải cách tiền lương... Rõ ràng NSLĐ của khu vực công đang có vấn đề. Người dân vẫn ca thán một bộ phận CCVC năng suất làm việc thấp, chất lượng công việc không tốt… Nếu cứ vin vào ngân sách khó khăn để không tăng lương CCVC thì khó có thể chống được tham nhũng.
Phải thực hiện đúng lộ trình tăng lương
- Có người đưa ra quan điểm, ở một giai đoạn nào đó khi mức sống tối thiểu quá thấp thì chúng ta cần giải quyết cấp bách vấn đề tiền lương tối thiểu phải bằng nhu cầu sống tối thiểu…
- Tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm này. Khi tiền lương đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ thì mới bàn đến NSLĐ. Ở khu vực DN, chúng ta đã áp dụng bằng Bộ luật Lao động (Điều 90, 91, 92), do cơ chế ba bên quyết định và tư vấn cho Chính phủ cho phép được điều chỉnh lộ trình năm 2017, 2018 để đáp ứng yêu cầu tiền lương tối thiểu của NLĐ. Và khi lương tối thiểu ngang bằng nhu cầu sống tối thiểu thì Hội đồng Tiền lương quốc gia chỉ cần xem xét mức tăng lương tối thiểu theo tỷ lệ trượt giá, lạm phát và NSLĐ đã làm tăng GDP như thế nào. Đối với CCVC, phải tăng lương cơ sở vì đây là nguồn bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu cho NLĐ. Lộ trình tăng lương đặt ra ở nhiều kỳ họp Quốc hội nhưng chưa được thực thi. Vì vậy, không thể do khó khăn mà chưa tăng lương, cần thiết phải giảm các khoản chi tiêu khác để thực hiện đúng lộ trình tăng lương.
- Trong kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu đề nghị phải cắt giảm các khoản chi lãng phí, không hiệu quả để dành tiền tăng lương cho NLĐ trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?
- Tinh thần chung của cải cách tiền lương có đặt ra vấn đề tăng lương cho CCVC trong năm tới theo lộ trình khi nhu cầu chi tiêu tăng cao. Muốn vậy, phải tiết kiệm chi tiêu, ví dụ: Cắt giảm những công trình mất hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng nhưng xây xong không sử dụng; những khoản tiếp khách, giao lưu học tập, nghiên cứu kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết... Muốn có cơ sở để tăng lương, ta phải cân đối nhiều mặt. Đây là sự chia sẻ giữa Nhà nước và CCVC, nhưng chúng ta nhất định phải nghiên cứu tổng thể về cải cách chính sách tiền lương khu vực công, bảo đảm nguyên tắc phần lương chính chiếm 70% trở lên của toàn bộ thu nhập, phần phụ phải giảm xuống dưới 30%.
- Về lâu dài chúng ta phải có giải pháp gì để cải cách tiền lương CCVC?
- Tôi cho rằng, trước hết chúng ta phải "gom" bộ máy quản lý lại cho ít đầu mối, ít cồng kềnh, đặc biệt là biên chế phải tính toán kỹ. Điều quan trọng là phát huy năng lực CCVC như thế nào thông qua chế độ đãi ngộ. Người sử dụng lao động nhận thức về đối tượng lao động như thế nào. Hai là phải đào tạo nâng cao trình độ, đặc biệt là trình độ cho những người làm một nghề có thể kiêm nhiệm những chuyên môn khác. Ba là phải mô tả công việc thì mới biết được định mức cần bao nhiêu người. Bốn là cần thiết phải vay nợ quốc tế để giải quyết khâu tiền lương trước thì mới giải quyết hàng loạt những vấn đề yếu kém khác về quản lý nhà nước như tinh giản biên chế, tăng thêm hiệu lực quản lý và trách nhiệm của cán bộ, CCVC. Bên cạnh đó, phải kiểm soát rất tốt vấn đề thu nhập, tiền lương của mọi người trong xã hội bằng thuế thu nhập cá nhân. Việc đánh giá, phân chia lương cũng phải công bằng. Người làm tốt, năng suất cao thì phải được hưởng nhiều hơn người ý thức kém, năng suất thấp thì họ mới có động lực cống hiến, tăng NSLĐ.
- Trên thế giới đã có nước nào thành công bằng các giải pháp này chưa?
- Có một số quốc gia nhờ các khoản vay quốc tế để giải quyết vấn đề tiền lương, sau đó nhờ đòn bẩy này tạo ra NSLĐ, tạo ra sản phẩm thặng dư, giá trị thặng dư, phát triển kinh tế, trả nợ và trở nên hùng cường. Đây cũng là bài học tốt, Việt Nam nên tiếp thu - sẽ giúp giải quyết chỗ ách tắc của tiền lương và NSLĐ. Không thể tăng năng suất khi lương của NLĐ không đủ sống. Trong nền kinh tế mở, điều này càng không hề mâu thuẫn. Đây không chỉ là yêu cầu có tính ràng buộc của luật pháp, mà còn là đạo lý trong việc sử dụng nguồn nhân lực. Các ông chủ DN nên học cách của nhiều quốc gia đã đi qua kinh tế thị trường, chấp nhận giảm mức thu lợi nhuận để tăng cường đầu tư cho con người. Không chỉ trả lương mà còn phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, giáo dục kỷ luật lao động công nghiệp, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.