Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể “né” phí!

Đặng Loan| 25/02/2012 07:49

(HNM) - Với việc xây thêm một trạm thu phí trên quốc lộ (QL) 1A cho đoạn từ Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đến Trung Lương (Tiền Giang), các doanh nghiệp vận tải cho rằng đơn vị thu phí đã "tận thu" cho đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương vì đi đường nào cũng phải đóng phí. Trong khi đó phía đơn vị thu phí cho rằng, việc xây thêm một trạm thu phí trên QL 1A là có lợi cho xã hội.

Một đoạn đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Doanh nghiệp than "phí cao"

Từ 8h sáng nay (25-2), đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương dài 40km chính thức được thu phí sau gần 2 năm đưa vào khai thác tạm. Tất cả phương tiện lưu thông trên đường này đều phải đóng phí, trừ các xe cứu thương, chữa cháy… Sẽ có 4 trạm thu phí đặt ở các vị trí Chợ Đệm (TP Hồ Chí Minh); Bến Lức, Tân An (tỉnh Long An) và Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang). Các xe sẽ đóng phí theo từng kilômét mà xe đi qua. Tại làn vào, khi xe bắt đầu vào đường cao tốc thì sẽ dừng lại ở cabin và bấm máy để nhận thẻ. Trên thẻ đã được cài đặt mệnh giá ở các cửa ra, tùy theo loại xe. Sau đó, barie sẽ tự động nâng lên để xe đi qua. Ở làn ra, người lái xe sẽ đưa thẻ cho nhân viên ở đây thanh toán tiền và nhận chứng từ thu phí. Biểu mức thu phí cũng chia theo từng loại xe. Thấp nhất là loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng có mức thu 1.000 đồng/km. Mức thu cao dần là 1.500 đồng, 2.200 đồng, 4.000 đồng tùy theo loại xe, cao nhất là xe trọng tải 18 tấn trở lên và xe container 40fit với mức thu 8.000 đồng/km.

Về chất lượng đường cao tốc, ông Dương Tuấn Minh cho biết đã sửa chữa xong 70% ở những ổ gà lớn và tập trung. Hiện còn 30% sẽ tiếp tục sửa chữa và sẽ xong trong tháng 4 tới.

Ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM - đơn vị được chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc) cho biết, mức phí này là hợp lý vì đã được tham khảo mức thu phí đường cao tốc của một số nước như Trung Quốc (tương đương 1.653 đồng/km xe dưới 12 chỗ ngồi); đường cao tốc Subic - Clark - Tarlac Expressway của Philippines (tương đương 1.405 đồng/km); đường cao tốc North- South Expressway của Malaysia (tương đương 1.034 đồng/km) và đường cao tốc tại Bangkok của Thái Lan (tương đương 1.829 đồng/km). Bên cạnh đó, việc tính toán chi phí mức 1.000 đồng/km đã được xem xét trên tổng mức đầu tư, tỷ lệ lãi vay, thời gian hoàn vốn 25 năm…

Luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc tham khảo mức phí với 4 nước trên là khập khiễng vì GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp hơn họ rất nhiều. Mức thu phí là quá cao và sẽ đội giá cước vận chuyển lên khoảng 20%. Theo ông Thái Văn Chung, phí thu cho đường cao tốc nên theo Thông tư 90 đang áp dụng ở các trạm thu phí hiện hành. Theo đó, phí cao nhất là 80.000 đồng/lượt đi và trong trường hợp đặc biệt thì cho phép thu 160.000/lượt.

Thêm trạm thu phí để… bảo đảm an toàn giao thông?

Thông tin sẽ xây thêm trạm thu phí trên QL 1A (tại km 1953+200 giáp ranh hai tỉnh Long An và Tiền Giang) cũng khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc và cho rằng, họ bị "tận thu" khi buộc phải vào đường cao tốc vì đi QL 1A cũng phải đóng phí. Ông Dương Tuấn Minh cho biết, mục tiêu xây dựng trạm thu phí trên QL 1A là để điều hòa giao thông trên hai tuyến đường QL 1A và đường cao tốc. Việc xây trạm thu phí này đã trình Chính phủ và đã được đồng ý.

Theo ông Dương Tuấn Minh, từ ngày đưa tuyến đường cao tốc vào hoạt động thì tai nạn và ùn tắc giao thông trên QL 1A giảm hẳn vì các phương tiện vận tải chuyển hướng lưu thông trên đường cao tốc. Hiện trên đường cao tốc có khoảng 32.000-35.000 xe lưu thông/ngày đêm, còn QL 1A có khoảng 6.500-7.000 xe. Ông Dương Tuấn Minh cũng đồng ý rằng, các lái xe khi bị thu phí sẽ chuyển sang QL 1A, đặc biệt là những xe tải trọng nặng. Theo tính toán của Cửu Long CIPM, sẽ có khoảng 20% - 25% lượng xe chuyển sang QL 1A. Lượng xe này cộng với lượng xe đang lưu thông trên QL 1A thì có khả năng sẽ gây kẹt xe, mất an toàn cho cộng đồng, đặc biệt xe tải nặng sẽ làm đường nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Cũng theo ông Dương Tuấn Minh, ngoài lợi ích xã hội nêu trên thì xây trạm thu phí trên QL 1A còn là lợi ích về bài toán kinh tế cho doanh nghiệp vận tải! Đó là, nếu không xây trạm thu phí thì doanh nghiệp sẽ chọn đi QL 1A dài hơn so với đường cao tốc 11km (từ Bình Chánh đến Trung Lương là 51km). Với quãng đường này, chi phí nhiên liệu sẽ tốn hơn khoảng 27.000-30.000 đồng. Chưa kể, nếu đi đường cao tốc sẽ chỉ tốn khoảng 30 phút, còn đường QL 1A thì phải mất khoảng 60 phút, lợi hơn về thời gian và nguyên liệu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải phản đối cách giải thích này. Ông Thái Văn Chung cho rằng, các doanh nghiệp đã tính rất kỹ bài toán lợi nhuận của mình để quyết định đi trên tuyến đường nào. Việc rút ngắn thời gian di chuyển không phải là lợi thế vì các lái xe vẫn không thể quay đầu thêm một chuyến hàng nữa. Thêm nữa, xây trạm thu phí trên QL 1A là không phù hợp với quy định hiện nay vì đã gọi là phí giao thông thì có sử dụng mới phải trả phí. Chính vì vậy mà không thể lấy lý do giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông xây thêm trạm thu phí để ép doanh nghiệp và người dân đi trên đường cao tốc và đóng phí cho đường cao tốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể “né” phí!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.