(HNM) - Biến đổi khí hậu đã thể hiện cụ thể ở thời tiết nước ta. Mùa mưa đến sớm hơn thường lệ, thời tiết lạnh kéo dài và ngày càng có xu hướng lấn sâu xuống phía Nam.
Áp thấp nhiệt đới và bão xuất hiện ở biển Đông có nhiều dấu hiệu bất thường, sớm hơn và dày đặc hơn tuy chưa gây tác hại đến đất liền nhưng sóng lớn, giông sét, tầm nhìn hạn chế đã ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động trên biển. Ngay tại Hà Nội đầu tháng 5 và TP Hồ Chí Minh giữa tháng 6, những cơn mưa đầu mùa cường độ khoảng 100mm như một đợt thử thách thực tế công tác phòng, chống úng ngập. Qua các đợt mưa này, tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng thực trạng hạ tầng cơ sở hiện nay chưa thể làm hài lòng người dân và chính quyền thành phố.
Nỗi lo lớn nhất của các thành phố là tình trạng úng ngập cục bộ. Ở các thành phố phía Nam, úng ngập do mưa cộng thêm triều cường đã biến nhiều đường phố, khu phố ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ thành các dòng sông nhỏ. Ở Hà Nội, mưa ở mức 100mm, đã có 23 điểm úng ngập. Nếu mưa ở mức 200mm trở lên, khả năng tăng thêm các điểm và thời gian úng ngập là khó tránh khỏi. Thực hiện giai đoạn 2 dự án thoát nước, mấy năm qua, thành phố đã nâng cao công suất của trạm bơm Yên Sở 1 và 2; nạo vét các hồ, kênh tiêu nước, tăng cường các trạm bơm tiêu nên đã giảm đáng kể các điểm ngập úng, tuy nhiên mới giải quyết được với các trận mưa vừa. Nếu lặp lại trận mưa trên 400mm như năm 2008, khả năng chống úng ngập là khó khăn.
Úng ngập đi liền với ùn tắc giao thông, nước tràn vào nhà, cây đổ, chập điện gây tai nạn. Do những chuyển dịch nền đất, các "hố tử thần" xuất hiện trên mặt đường ở nhiều nơi, tiềm ẩn tai nạn cho người và xe cộ. Nhưng ngoài các hố đã xuất hiện trên mặt đường, hiện tượng chuyển dịch của nền đất vốn đã rất yếu ở hầu hết các thành phố lớn cả nước, không chỉ diễn ra trên mặt đường mà còn ở mọi nơi. Cây cối tuổi thọ cao, bị mối mọt lại hẫng gốc do nền đất không ổn định chắc chắn việc đổ, nghiêng sẽ tăng lên. Nếu không chú ý đến việc bảo đảm chất lượng công trình, ở những nơi tiến hành đặt lại cống, hạ ngầm cáp, không chỉ cây cối mà cả trụ điện, nhà cửa cũng sẽ bị nghiêng lún. Năm nào cây đổ, chập điện cũng gây ra tai nạn cho con người, hỏng xe ô tô, xe máy, nhà cửa và ách tắc giao thông. Năm nay, mới đầu mùa mưa, đã có người bị nạn vì những việc lẽ ra có thể lường trước được này.
Mưa lụt là vận động của thiên nhiên, con người chỉ có thể hạn chế tác hại nhưng không thể hoàn toàn chế ngự được. Đã như vậy, kinh phí lại rất lớn, một nước còn nghèo như nước ta khó có thể đòi hỏi ngay một lúc. Nhiều thứ biết nhưng đành chịu. Tuy vậy, có nhiều việc vẫn có thể làm được, nếu quan tâm đúng mức. Cần kiểm tra lại tình trạng cây xanh trong thành phố, cắt tỉa cành, chằng chống chống bão. Kiểm tra sát sao chất lượng thi công các công trình ao hồ, cống rãnh, đường cáp, vỉa hè trong thành phố. Ngăn chặn đi tới chấm dứt tình trạng ăn cắp nắp hố ga và rào chắn, các biển báo giao thông. Rà soát, bổ sung, phân công lực lượng tuần tra, bảo vệ an ninh trong lúc mưa lũ. Tuyên truyền phổ biến kiến thức cho dân về an toàn điện, an toàn giao thông khi mưa ngập… Những việc đó tuy đã thành lệ năm nào cũng có nhưng vẫn là những việc không thể lơ là.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.