Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể “hổng đâu lấp đấy”!

Nữ Quỳnh| 17/07/2010 04:01

(HNM) - Hà Nội đã có đề án chi hơn 3.000 tỷ đồng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non đến năm 2015. Thông tin này thực ra đã có từ cuối năm 2009, nhưng vừa được nhắc lại, khiến dư luận đặc biệt quan tâm và mong muốn nó sớm được triển khai.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh tháng 7, lại có nhiều phụ huynh ở Hà Nội nháo nhác lo chuyện xin học cho con. Hà Nội hiện có gần 800 trường mầm non, trong đó có hơn 650 trường công lập, tỷ lệ trẻ đến nhà trẻ khoảng hơn 24%, trẻ mẫu giáo được đến trường khoảng 85%. Tuy nhiên, hệ thống các trường mầm non còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Quá tải là dễ hiểu. Thôi thì đủ cách. Từ ăn chực nằm chờ suốt đêm, đến chạy vạy chỗ này chỗ khác, tận dụng mọi "cửa" quen thân. Xin đúng tuyến cũng khó khăn chật vật như trái tuyến. Chỉ tiêu cho các trường có hạn, đặc biệt đối với các trường điểm, trường chuẩn, trường chất lượng cao. Năng lực thực tế của hệ thống mầm non ở Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng từ 40-60%, có nơi chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu. Chính vì thế, nhiều năm nay đã xuất hiện cảnh phụ huynh phải đi xếp hàng mua đơn xin học cho con từ chiều, từ đêm hôm trước. Thiếu trường, thiếu lớp, rồi do người có trách nhiệm giải quyết chưa thỏa đáng đã khiến câu chuyện vào lớp mầm non của trẻ trở nên bức xúc, tiêu cực xảy ra cũng là điều dễ hiểu.

Thực tế nhiều năm qua, việc học của trẻ "vỡ lòng" còn ít được chú ý, đầu tư hạ tầng vẫn lộ rõ những hạn chế. Gần đây, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn, tính chất xã hội hóa giáo dục mầm non đã rộng mở hơn. Song nhiều phụ huynh vẫn chưa dám tin tưởng, gửi gắm con vào trường dân lập, phần vì chất lượng chưa thực sự tương xứng, nhưng phần quan trọng là có quá nhiều gia đình không đủ điều kiện kinh tế để cho con học dân lập. Vì thế mà chuyện chạy vạy vào trường công lập vẫn diễn ra.

Theo đánh giá chung thì trước mắt, dù có đầu tư lớn cho ngành học mầm non cũng chưa thể giải quyết ngay được tình trạng quá tải, tức là phụ huynh vẫn phải xếp hàng, chầu chực để lo xin học cho con. Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đã có đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 với tổng mức kinh phí thực hiện là 14.660 tỷ đồng, bao gồm 4 dự án: Xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định của điều lệ trường mầm non; mua sắm trang thiết bị, đồ chơi; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho các huyện khó khăn. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp căn cơ, mới chỉ "hổng đâu lấp đó" thì sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề. Sự thật là chúng ta muốn xã hội hóa bậc học này, khuyến khích tăng tỷ lệ các cháu trong độ tuổi vào học mầm non, nhưng cơ sở hạ tầng không theo kịp. Đã đến lúc cần phải xây dựng chiến lược dài hơi hơn về giáo dục, như xây dựng quỹ đất, xây dựng mô hình xã hội hóa giáo dục… Đặc biệt cần thu hẹp khoảng cách học phí giữa trường công lập và trường dân lập.

Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thành phố Hà Nội đến năm 2015" như đã nói ở trên với tổng kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó hơn 650 tỷ đồng xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, 360 tỷ đồng xây mới trường mầm non, hơn 1.000 tỷ đồng xóa phòng học tạm và phòng học cấp 4... Hy vọng giải pháp mang tính chiến lược này sẽ giải tỏa được vấn đề gian nan chỗ học cho trẻ mầm non, mẫu giáo hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể “hổng đâu lấp đấy”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.