(HNM) - Sự việc một bệnh nhân bị tử vong tại phòng khám Maria (Hà Nội) như một tiếng còi báo động khẩn cấp, một lời cảnh tỉnh đau đớn về sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý cơ sở y tế.
Cái chết của một bệnh nhân lúc này không đơn giản là hậu quả của một rủi ro, mà thực chất nó là đỉnh điểm, là giọt nước cuối cùng có làm tràn chiếc cốc đang chứa đầy bức xúc của dư luận về chất lượng của các phòng khám có yếu tố nước ngoài.
Điều đáng sợ là những tiếng xấu của nhiều phòng khám có bác sĩ, lương y người Trung Quốc đã được dư luận phản ánh từ lâu, rất nhiều cuộc kiểm tra cũng đã xác định tới cả 100% sai phạm. Thế nhưng, đáng tiếc là các phòng khám ấy vẫn tồn tại, vẫn sống tốt và dĩ nhiên cũng vẫn tiếp tục có thêm nhiều bệnh nhân trở thành nạn nhân. Còn cơ quan quản lý thì vẫn như vô can, mũ ni che tai, mặc nhiên để cho cái xấu tồn tại, ngày ngày lừa gạt, móc túi người bệnh. Với thực tế hiện nay, chắc chắn chẳng ai có thể khẳng định được trong tương lai sẽ không còn những hậu quả đau lòng khác!
Đã đến lúc ngành y tế phải nghiêm túc xem xét lại, tư vấn lại trách nhiệm của mình trước sự an nguy, tính mạng của người dân! Thật không thể hiểu nổi khi mà trong cả một thời gian dài báo chí đã "chỉ tận tay, day tận trán" các phòng khám sai phạm nhưng chẳng có cơ sở nào bị xử lý đúng mức. Ngay chính những người hoạt động trong lĩnh vực y tế cũng phải thốt lên rằng, tại sao những thầy thuốc trong nước thì chưa được tạo điều kiện thuận lợi cho việc xin phép hành nghề thì các phòng khám nước ngoài lại dễ dàng mọc lên như nấm, dường như chỉ cần bỏ tiền là có giấy phép? Để rồi sau đó đa số phòng khám Trung Quốc đều có bảng giá "cắt cổ", quảng cáo quá chức năng, làm quá giấy phép, sai phạm kéo dài nhưng lại vẫn ngang nhiên tồn tại.
Theo quy luật, cái xấu, sự vụ lừa lọc lâu ngày rồi cũng sẽ bị phát giác. Nhưng giá như, ngay khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, xử phạt và giám sát chặt chẽ thì có lẽ đã không có những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên thực tế những sai phạm của các phòng khám cứ một thời gian rộ lên thì cơ quan chức năng mới cuống quýt kiểm tra, giống như chữa cháy, nhưng rồi đâu lại đóng đó. Bị phát hiện làm chui, các "bác sĩ" ngoại lại lách bằng cách thuê bác sĩ Việt đứng tên mở phòng khám. Lúc xảy ra chuyện thì bác sĩ người Việt cũng thoái thác trách nhiệm, còn các "bác sĩ" nước ngoài thì cao chạy xa bay, giống như trường hợp của phòng khám Maria.
Vụ việc ở phòng khám Maria có thể coi là bài học sâu sắc, đắt giá trong công tác quản lý của ngành y tế, thậm chí là một cái giá quá đau xót, đó không chỉ là chuyện uy tín của ngành mà còn là nỗi ám ảnh của người dân. Nhiều người còn băn khoăn về việc không chỉ cơ quan quản lý yếu kém, buông lỏng mà thậm chí còn có những nghi vấn về sự khuất tất, bao che, bảo kê cho các phòng khám nước ngoài? Chưa khẳng định những nghi ngờ này đúng sai, song lỗi trước nhất, rất dễ thấy chắc chắn là do quản lý chưa tốt.
Ngẫm ra, sự việc này cũng không có gì khó hiểu, hậu quả vừa xảy ra cũng chỉ là tất yếu. Khi nào cơ quan quản lý còn thờ ơ, hậu quả sẽ vẫn còn tái diễn. Từ cái chết - sự đánh đổi mạng sống của một con người, đỉnh điểm của những bức xúc, hy vọng đó sẽ là giọt nước cuối đủ để tràn ly, đánh động đến lòng trắc ẩn của những nhà quản lý!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.