Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể bình chân như vại

Thế Phương| 23/03/2010 06:37

(HNM) -

Nông dân huyện Thanh Yên, tỉnh Điện Biên trên cánh đồng gần 1ha đang bị khô hạn nặng. Ảnh: Trường Thành - TTXVN


Ngày 22-3, gần 100 nhà khoa học của 25 quốc gia đã đến Việt Nam tham dự hội thảo khoa học với chủ đề: "Quản lý rủi ro các thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu". Họ mang theo những lời cảnh báo không mới nhưng luôn nóng: Lượng mưa thất thường và luôn biến đổi. Nhiệt độ tăng, thời tiết khốc liệt hơn. Tần suất và cường độ của bão lũ, triều cường tăng đột biến. Dịch bệnh xuất hiện lan tràn... Tình trạng thiếu hụt nước tăng cao. Nguy cơ tuyệt chủng các loài động, thực vật gia tăng. Nguồn thủy, hải sản bị phân tán... Cũng theo tính toán của các nhà khoa học, riêng việc nước biển dâng cao có thể khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà. Một phần lớn diện tích của Đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long có thể bị ngập lụt do nước biển dâng...

Bóng đen biến đổi khí hậu đang hiện hữu và trùm lên đất nước Việt Nam kéo theo vô vàn hệ lụy. Và không phải bây giờ báo chí mới đề cập đến. Vấn đề này đã đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, đã được cụ thể hóa bằng nhiều dự án: trồng rừng, ngăn mặn... Và việc Việt Nam đăng cai hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu là một minh chứng cho thấy Chính phủ Việt Nam ý thức rất rõ những vấn đề cấp thiết từ tác động của biến đổi khí hậu. Rõ ràng nếu không điều chỉnh, đất nước sẽ ngày càng ngập sâu vào "món nợ sinh thái" không bền vững mà các thế hệ mai sau sẽ phải trả giá. Thế nhưng nhận thức về thảm họa biến đổi khí hậu ở nước ta vẫn rất mờ nhạt. Không ít người coi biến đổi khí hậu như một bóng ma biến hình trong lũ bão, hạn hán, bệnh dịch... Và cũng không ít người quan điểm theo kiểu "nước nổi, bèo nổi": nước ngập bao nhiêu nâng nhà đến đấy, bao nhiêu năm sống chung với lũ đấy thôi.

Có lẽ đã đến lúc không chỉ các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, mà mỗi người dân nước Việt cần ý thức một cách đầy đủ về thảm họa này. Những dự báo kinh hoàng về thiệt hại do biến đổi khí hậu hoàn toàn có căn cứ nhưng rõ ràng chỉ là cảnh báo. Nước biển dâng, chuyện mất đất, mất nhà có thể không tránh khỏi nhưng nếu chúng ta có một sự điều chỉnh hợp lý ngay từ bây giờ có thể sẽ giảm được rất nhiều hệ lụy. Ví như bố trí lại cơ cấu kinh tế sao cho trên một diện tích đất bị thu hẹp vẫn tạo được giá trị kinh tế cao; xây dựng cơ sở hạ tầng để người dân có thể sống chung với lũ... Một nhà khoa học tính toán: chúng ta có thể mất diện tích trồng lúa nhưng vẫn có thể nuôi trồng thủy sản ở những vùng nhiễm mặn với giá trị kinh tế cao hơn...
Biến đổi khí hậu là một thảm họa, một thảm họa mang tính toàn cầu mà chúng ta phải gánh chịu nhưng nó không phải bóng ma, chúng ta đã nhận diện chính xác, vấn đề lúc này là cần phải có những hành động cụ thể hơn nữa, kiên quyết hơn nữa. Sự hợp tác của các nước phát triển sẽ cho chúng ta thêm nguồn lực và kinh nghiệm nhưng vấn đề cốt lõi là chúng ta phải có tầm nhìn mới và những chương trình, dự án mang tính khoa học cao để ứng phó hài hòa với mỗi biến đổi. Không thể “bình chân như vại” hơn hết, mỗi người dân nước Việt cần hiểu rõ vấn đề này để chung sức cùng Chính phủ hạn chế tác hại của hiểm họa.

Một chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu đã hình thành và với khả năng thích ứng cao, cho chúng ta tin tưởng sẽ hạn chế được hệ lụy của biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể bình chân như vại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.